01:16 26/01/2018

Hàng lậu dồn về chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp rồi tỏa đi miền Trung, miền Nam

Tại Hà Nội đã hình thành một số tụ điểm, tuyến phố và kho hàng kinh doanh, tập kết hàng lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc để trung chuyển đi các tỉnh miền Trung, miền Nam tiêu thụ như: Phố Nguyễn Sơn (Long Biên), chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp...

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chiều 26/1. Theo ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong khi đa số người tiêu dùng Thủ đô sử dụng hàng hóa trong nước, nhập khẩu chính ngạch, thì vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra ở nhiều quy mô khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ đạo tại hội nghị tổng kết.

Ông Kiên cho biết, Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính trở thành trung tâm của các tuyến giao thông huyết mạch, điểm nóng của tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả. Các đối tượng hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, có sự tham gia của các đối tượng ở ngoại tỉnh, người nước ngoài, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng manh động, chống trả quyết liệt.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh tại các khu vực phố Nguyễn Sơn, chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả; không để tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả diễn ra công khai.

"Đây là những địa bàn phức tạp về hàng lậu, hàng giả, do đó chi cục sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Điều chuyển cán bộ quản lý thị trường không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ", ông Kiên cho hay.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Riêng đối với thuốc lá lậu, báo cáo tổng kết của Cục Quản lý thị trường cho biết đã phần nào ngăn chặn một số điểm nóng chuyên kinh doanh thuốc lá lậu tại Hà Nội như phố Hàng Hành, Nguyễn Siêu, Hàng Buồm, Trần Xuân Soạn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Tây Sơn, Kim Giang và các tuyến phố khác tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2017 đã kiểm tra hơn 164.000 vụ; phát hiện, xử lý hơn 103.000 vụ vi phạm (giảm 2% so với năm 2016); với tổng số thu nộp ngân sách 511,75 tỷ đồng (giảm 7% so với năm 2016). Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán là trên 215 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy trên 206 tỷ đồng.

Hoàng Dương/Báo Tin tức