12:10 01/12/2020

Hàng không với ‘sứ mệnh thế kỷ’ trong cuộc chiến chống COVID-19

Trong một khu kho lạnh nằm sát sân bay Frankfurt, hãng hàng không Deutsche Lufthansa AG đang hoàn tất công tác chuẩn bị để đưa đội tàu bay “ngủ đông” đã lâu vào thực hiện sứ mệnh vận chuyển hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Lufthansa cùng nhiều hãng hàng không trên thế giới đã sẵn sàng cho "sứ mệnh thế kỷ" chuyên chở vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Bloomberg

Nhiệm vụ này đã được Lufthansa, một trong những hãng vận tải hàng không lớn nhất thế giới, lên kế hoạch từ tháng 4, với tiên đoán rằng vaccine do Pfizer, Moderna hay AstraZeneca sẽ sớm ra lò khi chúng được nghiên cứu, phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục.

20 người thuộc nhóm đặc trách của Lufthansa đang tính toán xem có thể chất thêm bao nhiêu trọng tải hàng hóa nữa vào khoang của 15 chiếc Boeing 777 và McDonnell Douglas MD-11, sau khi bố trí đủ chỗ ngồi cho hành khách mà hiện tại tàu bay mới sử dụng 25% công suất. 

Với tần suất bay thấp do nhu cầu đi lại của hành khách lao dốc giữa đại dịch, các hãng hàng không sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực diệt trừ COVID-19, thông qua việc vận chuyển hàng triệu liều vaccine tới mọi ngõ ngách trên toàn cầu. Đó là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, đầy khó khăn sau khi các hãng hàng không buộc phải sa thải nhân viên, cắt giảm đường bay để sống sót trong khủng hoảng, khiến hoạt động di chuyển hàng không sụt giảm đến 61% trong năm nay. 

“Đây sẽ là hoạt động hậu cần lớn nhất và cũng thuộc diện phức tạp nhất của ngành hàng không. Cả thế giới đang dựa vào chúng ta”, Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành Hiệp hộiVận tải Hàng không Thế giới (IATA) bình luận. IATA cũng cho rằng vận chuyển vaccine cho hàng triệu người khắp thế giới sẽ là “sứ mệnh thế kỷ” của vận tải hàng không. 

Theo ước tính của IATA, sẽ cần phải sử dụng 8.000 chuyến bay dòng máy bay Boeing 747 có sức chở 110 tấn để thực thi nhiệm vụ này. Sẽ phải mất đến 2 năm để chuyên chở 14 tỉ liều vaccine, bảo đảm cho mỗi một người trên thế giới được tiêm ngừa hai mũi vaccine. 

Bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) so sánh nhiệm vụ vận chuyển vaccine quan trọng như chinh phục đỉnh Everest. Tuy nhiên, để chinh phục được mốc này, ngành hàng không phải vượt qua không ít khó khăn. 

Năng lực chuyên chở: Trên thế giới có khoảng 2.000 máy bay chuyên dụng dùng cho vận chuyển hàng hóa, đảm nhận khoảng 50% khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. Số còn lại được chuyên chở bởi khoảng 22.000 máy bay chở khách. 

Các tàu bay chuyên dụng vẫn đang hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa qua đường hàng không suy giảm mạnh trong năm nay, do số lượng máy bay chở khách phải nằm bến tăng vọt. Các hãng hàng không mới chỉ hoán cải khoảng 2.500 máy bay chở khách sang chở hàng. Tuy nhiên, vận chuyển vaccine bằng đường hàng không giờ gặp thách thức, do các phi công không được bay thường xuyên đến các điểm thông thường. 

Máy bay nằm bến: Pfizer có kế hoạch vận chuyển 1,3 tỉ liều vaccine vào cuối năm nay, trong khi sản lượng vaccine ra lò của Moderna là 500 triệu liệu. AstraZeneca dự định sản xuất 2 tỉ liều, một nửa trong số này sẽ được đưa tới các nước có thu nhập trung bình và thấp. 

“Chúng ta phải hành động rất nhanh chóng để giúp thế giới chống chọi với đại dịch. Một điểm quan trọng là phải vận chuyển vaccine bằng máy bay tới những đối tượng cần được tiêm ngừa. Vì thế, cần phải mở lại đường bay”, Dennis Lister, Phó Chủ tịch phụ trách mảng vận tải hàng hóa tại Emirates – hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới - nhìn nhận. 

Theo Glyn Hughes, ngường đứng đầu bộ phận vận tải hàng hóa toàn cầu tại IATA, muốn cho phép nhiều máy bay trở lại hoạt động, chính phủ các nước cần mở cửa du lịch, đi lại bằng đường hàng không. 

Bảo quản, lưu trữ ở nhiệt độ lạnh sâu: Vaccine do Pfizer-BioNTech nghiên cứu, phát triển cũng đặt ra thách thức mới. Loại vaccine này khi vận chuyển phải được bảo quản trong điều kiện lạnh sâu, ít nhất là -70 độ C, tức là lạnh hơn nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực. Liên danh này có kế hoạch sử dụng bộ cảm biến nhiệt có định vị GPS để kiểm tra điểm đến cũng như điều kiện nhiệt độ đối với mỗi lô hàng vaccine. 

Chú thích ảnh
Bảo quản vaccine ở nền nhiệt lạnh sâu là yêu cầu đặt ra trong mọi bước của phân phối vaccine. Ảnh: Bloomberg

Trước khi đến đích, vaccine có thể để trong hộp ở nhiệt độ cực lạnh (đã có giải pháp thương mại cho vấn đề này), từ đó giúp nâng thời hạn sử dụng của vaccine thêm 6 tháng; hoặc là đặt trong tủ lạnh ở bệnh viện với nhiệt độ từ 2-8 độ C, hoặc là trong các thùng chứa đặc biệt do Pfizer chế tạo. Cũng có thể sử dụng giải pháp tạm thời là dùng đá khô ướp lạnh trong thời gian 15 ngày. 

Bất chấp những trở ngại, một mạng lưới toàn cầu đã được thiết lập hoàn chỉnh về phân phối dược phẩm, làm tiền đề thúc đẩy quá trình phân phối vaccine. Các thành phố từ Miami, Dallas và London, đến Liege ở Bỉ, Dubai, Mumbai, Singapore và Incheon đều đã đã có sẵn những kho chứa siêu lạnh.

United Parcel Service Inc. đã xây dựng các cơ sở ở Louisville, Kentucky và Hà Lan với tổng số 600 tủ đông siêu lạnh, mỗi tủ có thể chứa 48.000 lọ vaccine ở nhiệt độ thấp tới -80 độ C.

FedEx cũng bổ sung tủ đông và xe tải lạnh vào mạng lưới trữ lạnh vốn đã rất rộng khắp của hãng, đồng thời cam kết sẽ dành cơ sở trên không và mặt đất ở mức nhiều nhất có thể để phục vụ phân phối vaccine. Thực tế, các công ty giao hàng đều có kinh nghiệm trong vận chuyển vaccine cúm và mẫu thuốc ở nhiệt độ thấp. Đầu năm nay, cả UPS và FedEx đều đã chuyên chở hàng tấn vật tư y tế đến Mỹ trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Chặng đường bộ cuối cùng: Việc giao hàng sẽ không chỉ dành cho các hãng hàng không. Xe ôtô, xe buýt, xe tải, thậm chí xe máy, xe đạp và lừa, cũng có thể được sử dụng để phân phối vaccine đến những vùng nông thôn. Nhiều nơi, có thể cần phải sử dụng cả hình thức giao hàng đi bộ. 

“Không thể có đủ tủ đông ở tất cả mọi nơi. Những loại vaccine đông lạnh này thường có độ ổn định không cao. Các công ty dược cần phải tìm ra cách thức để nâng cao tính ổn định cho vaccine”, ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Serum Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhận định. 

IATA cũng cảnh báo nguy cơ vaccine bị làm giả hoặc hoặc thậm chí là cả ý đồ làm gián đoạn việc phân phối. Các công ty dược đã lên tiếng trấn an, khẳng định rằng họ sẽ yêu cầu các hãng vận tải hộ tống an ninh tròn khâu đối với từng lô vaccine. Theo ông De Juniac, ngành hàng không đã sẵn sàng. “Chúng ta sẽ không làm mọi người thất vọng”. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)