07:15 05/07/2022

Hàng không với nỗ lực 'làm sạch bầu trời'

Lượng khí thải từ hàng trăm nghìn chuyến bay trên bầu trời mỗi ngày đang ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặt ra bài toán ngành Hàng không phải có những phương thức vận tải thay đổi để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu chống biến đổi khí hậu

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, vận tải hàng không đang là phương thức vận chuyển nhanh, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch, giao thương và vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng, tạo việc làm và đóng góp lớn GDP cho nền kinh tế trong, ngoài nước. Song, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, ngành Hàng không đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó, khí thải máy bay là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Chú thích ảnh
Bamboo Airways là một trong những hãng hàng không thực hiện những chuyến bay xanh.

Thống kê của Ủy ban quốc tế về vận tải sạch (ICCT), năm 2019 (trước khi có dịch COVID-19) hoạt động hàng không thương mại đã thải ra 916 triệu tấn carbon, tăng 29% so với năm 2013, với 85% lượng khí thải đến từ các chuyến bay, gồm các loại khí thải carbon, oxit nitơ, lưu huỳnh, bụi mịn… và chiếm khoảng 3,5% tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra.

Trong nhiều năm qua, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cùng nhiều quốc gia đã và đang nỗ lực tìm kiếm các mô hình vận tải hàng không “xanh hóa”, với những chuyến bay thân thiện với môi trường (Fly Green), nhằm cắt giảm mức phát thải lượng carbon. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trong bối cảnh “mở cửa bầu trời”, IATA cũng đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon thông qua việc thúc đẩy các hãng hàng không thực hiện Fly Green để cắt giảm carbon, tiến tới mục tiêu không phát thải carbon. Nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng máy bay Airbus đã thực hiện thành công các chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thành phần là dầu ăn đã qua sử dụng. Đây là loại nhiên liệu được sản xuất từ chất thải tái tạo và nguyên liệu thô, được coi là giải pháp thay thế tiềm năng khi có thể giảm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hướng đi bền vững

Chung tầm nhìn và hướng đi bền vững của ngành Hàng không thế giới, Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không nội đia như Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines, Pacific Airlines cũng đang theo đuổi và thử nghiệm hướng đi này.

Điển hình là Bamboo Aiways đã kiên định theo đuổi chiến lược phát triển hàng không bền vững, thông qua nhiều chiến dịch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến nay, hãng đã tiến hành nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức, giảm thiểu rác thải nhựa trên các chuyến bay, bảo tồn sinh thái tại điểm đến; triển khai kế hoạch mở rộng đội bay với động cơ tiết kiệm nhiên liệu, nhằm xanh hóa các chuyến bay… hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực hàng không, qua đó đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Mới đây, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tiên phong tham gia chương trình đánh giá môi trường do IATA khởi xướng (IEnvA), hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường và củng cố chiến lược phát triển “xanh hóa”. Đây cũng là bước đi tiêp theo nhằm củng cố mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh và vươn tầm quốc tế của hãng.

Theo ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Bamboo Airways, trên tiến trình nâng cao hiệu quả khai thác và tuân thủ các giá trị “xanh hoá” của ngành Hàng không nội địa, Bamboo Airways, cũng như các hàng hàng không khác đang tiến hành các kế hoạch cải tiến vận hành, đẩy mạnh sáng kiến giảm thiểu tác động tới môi trường. Với uy tín của IATA, việc triển khai đánh giá toàn diện về mặt khai thác, bảo dưỡng, quản lý hoạt động bay… theo tiêu chuẩn của IEnvA sẽ giúp gia tăng khả năng vận hành các chuyến bay thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh hiệu suất khai thác và chất lượng dịch vụ của hãng.

Qua tìm hiểu, nhiều hãng hàng không quốc tế đã chứng minh được tính hiệu quả với việc tham gia IEnvA và đạt chứng nhận cao nhất của IEnvA để đưa vấn đề cải thiện môi trường hàng không áp dụng vào các hoạt động vận hành bay, dịch vụ ăn uống, cabin, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ mặt đất hay hoạt động bảo trì và sửa chữa máy bay… Không ít hãng hàng không cũng đã triển khai nhiều sáng kiến giảm lượng khí thải CO2, như sử dụng nhiên liệu bền vững, bay đường bay tối ưu hóa, vận hành các phương tiện điện, phát động chương trình thưởng cho khách hàng thân thiết lựa chọn sống xanh… nhằm từng bước giảm lượng khí thải carbon so với trước đây.

Sơn Vân/Báo Tin tức