12:18 07/12/2014

Hàng hóa thiết yếu không chịu giảm giá

Trong khi giá xăng giảm liên tục, thậm chí đã xuống mức thấp kỷ lục từ cuối t3/2011, giá các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm hầu như không có dấu hiệu giảm.

Với việc giảm thêm 320 đồng/lít ngày 6/12 vừa qua, giá xăng đã xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuối tháng 3/2011. Đây cũng là lần giảm giá xăng thứ 11 liên tiếp trong nửa năm qua. Tuy nhiên, điều đáng nói là, giá các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm thì hầu như không có dấu hiệu giảm giá.

Người tiêu dùng phân vân lựa chọn hàng hóa bởi giá trong siêu thị chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: Lê Phú.


Giá thực phẩm tăng

Thời gian qua, các bộ, ngành đã cùng phối hợp để yêu cầu các doanh nghiệp (DN) vận tải tính toán lại giá cước, phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào nhằm điều tiết giá cả hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên đến nay, chỉ một số ít DN taxi có điều chỉnh giá cước, các DN vận tải chuyên chở các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, hải sản, gạo... vẫn không hề giảm giá hoặc giảm giá rất ít. Bên cạnh đó, Tết Dương lịch sắp đến cùng nhiều yếu tố khác từ chủ quan người bán đã khiến giá thực phẩm không giảm xuống mà còn có xu hướng tăng lên.

Khảo sát tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), giá thịt lợn mông sấn hiện là 90.000 đồng/kg, thịt vai, thịt ba chỉ 100.000 đồng/kg, xương sườn 90.000 đồng/kg, xương cục 80.000 đồng/kg... Tại các chợ lẻ trong khu dân cư Tổ 14 (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy), chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ cóc sinh viên tại Tổ 36 (Mai Dịch, Cầu Giấy), thịt lợn mông sấn có giá 85.000 - 95.000 đồng/kg, thịt nạc vai 100.000 đồng/kg, xương sườn 90.000 – 110.000 đồng/kg tùy loại... Mặc dù có sự chênh lệch về giá giữa các khu chợ, tuy nhiên theo những người bán hàng, giá thịt lợn đều tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Xu hướng chung của giá thịt lợn trong thời gian qua là tăng nhiều hơn giảm.

Không chỉ thịt lợn, một số loại thực phẩm khác cũng tăng giá. Tại chợ Nghĩa Tân, thịt bò từ 240.000 đồng/kg hồi cuối tháng trước đã tăng lên 250.000 đồng/kg; cá chép 70.000 - 80.000 đồng/kg tăng lên 85.000 - 90.000 đồng/kg... Các loại rau quả cuối vụ cũng tăng giá. Tại chợ Nam Đồng (Đống Đa), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), rau muống tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 - 12.000 đồng/mớ to hoặc từ 4.000 đồng lên 5.000 - 6.000 đồng/mớ nhỏ, chanh tươi từ 30.000 đồng tăng lên 35.000 đồng/kg...

Bà Nguyễn Thị Mai, tiểu thương bán cá nước ngọt tại chợ Cầu Giấy lý giải, trước đây, khi xăng dầu lên giá, bên buôn hàng bảo xăng dầu lên thì tính thêm giá nhưng nay, khi xăng dầu giảm giá, người ta lại nói do nhà xe không giảm giá chở hàng, rồi thời tiết chuyển lạnh nên giá cá tươi không những không giảm mà một số loại còn tăng lên.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, 11 đợt giảm giá xăng liên tiếp trong thời gian qua đòi hỏi thị trường phải có sự điều chỉnh về giá hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, có khoảng 80% hàng hóa vẫn không có dấu hiệu giảm giá.

Người tiêu dùng chưa được hưởng lợi

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trong 4 nhóm: lương thực thực phẩm, may mặc, bách hóa tạp phẩm và nhóm dịch vụ thì chỉ có giá nhóm rau giảm nhất thời nhưng trong đó có 70 - 80% là giảm do thời vụ (nguồn cung tăng) và nhiều yếu tố khác như thời tiết, sức mua, ví dụ như su hào từ 5.000 đồng/củ thì bây giờ là 4.000 - 4.500 đồng/củ, cải bắp 15.000 đồng giảm xuống còn khoảng 13.000 đồng/cái... Một số hàng hóa trong tháng 10, 11 có sự giảm nhẹ nhưng sự điều chỉnh này không có nguyên nhân từ việc giá xăng giảm mà do các DN xả hàng cuối vụ hè hoặc để thu hút khách hàng trong các dịp khai giảng năm học, ngày lễ (20/10, 20/11)...

Nhận định về việc thời gian qua, một số hãng vận tải đã giảm giá cước sẽ tác động thế nào đến giá hàng hóa, ông Vũ Vinh Phú cho biết, giá cước vận tải có giảm nhưng không tương xứng với giá xăng giảm, thậm chí có nơi giảm, nơi không. “Điều này khiến giá hàng hóa trong siêu thị và các nơi bán lẻ không thể ‘xuống’ được. Vận chuyển taxi, vận chuyển xe tải dù có giảm cũng chỉ giảm từ 5 - 10%, nhiều hãng taxi chỉ giảm 500 đồng/km nhỏ giọt không đáng kể”, ông Phú nói.

Còn ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc tăng giảm giá xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vốn chủ yếu được quyết định bởi nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ rằng, việc vin cớ xăng dầu tăng giá để tăng giá từ mớ rau, con cá như trước đây chủ yếu là hành động “té nước theo mưa” của các đầu mối trung gian. Để kéo giá xuống trở lại là điều không đơn giản.

Theo ông Vũ Vinh Phú, quan trọng là chi phí của vận tải chuyên chở hàng hóa phải giảm thì giá hàng hóa mới có thể giảm. Hiện giá xăng giảm, được lợi nhất vẫn là bên vận tải. Người tiêu dùng và người nông dân sản xuất chưa được lợi gì.


Thu Hồng - Hoàng Dương