06:07 30/06/2019

Hàng chục triệu người Mỹ ‘oằn lưng’ trả gánh nợ sinh viên đến cuối đời

Khi rời khỏi ghế trường đại học, hàng chục triệu sinh viên Mỹ phải gánh những khoản nợ khổng lồ vay trước đó để đi học và dành phần lớn thời gian đi làm để trả nợ.

Chú thích ảnh
Nhiều người Mỹ dành cả đời đi làm chỉ để trả nợ khoản vay thời đại học. Ảnh: AFP

Tình trạng này càng ngày càng gia tăng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có biện pháp giải quyết phù hợp.

Nữ sinh Haley Walters sẽ mất 5 năm để có được tấm bằng Cử nhân Luật. Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, cô sẽ phải gánh một khoản nợ 100.000 USD vào thời điểm tốt nghiệp và đi làm.

Cũng như hàng triệu người Mỹ, Walters đang phải trả giá đắt cho nền giáo dục tạo ra gánh nặng tài chính trong suốt phần đời còn lại của một người. “Tôi nghĩ khủng hoảng nợ sinh viên thực sự là một bản án chung thân”, cô gái 19 tuổi sinh sống tại bang California chia sẻ với AFP.

Với 45 triệu sinh viên trở thành nhóm vay khoảng 1.600 tỷ USD để học đại học, gánh nặng nợ nần của các cử nhân mới tốt nghiệp ở Mỹ bùng nổ trong những năm gần đây.

Cody Hoinanian, Giám đốc Khủng hoảng Nợ sinh viên - một tổ chức phi lợi nhuận ở California hỗ trợ sinh viên và kêu gọi cải cách - cho biết: “Những ai tốt nghiệp đại học công trong năm nay dự kiến phải gánh khoản nợ trung bình 35.000 USD/người”.

Theo thống kê chính thức, có 71% sinh viên Mỹ đang phải gánh những khoản nợ này. “Những nữ sinh da màu là nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả với tổng số nợ cao nhất”, ông Hounanian nhận định.

Mặc dù có nhiều học bổng và các khoản hỗ trợ tài chính, nhưng chi phí cho giáo dục đại học cao đến mức phần lớn sinh viên không thể trả nợ đúng tiến độ.

Ông Hounanian chia sẻ: “Khi sinh viên vay tiền, chương trình vay vốn của họ thường kéo dài 10 năm, nhưng ngày càng có nhiều người đăng ký các chương trình vay dài tới 20, 25 năm”. Về lâu dài, tiền lãi cộng dồn tiền gốc khiến gánh nặng trả nợ cứ thế tăng dần.

“Thời còn là sinh viên, tôi vay 30.000 USD mỗi tháng trả hơn 150 USD và đó là một trong những chương trình trả nợ có thể chấp nhận được. Nhưng số dư vay nợ của tôi cứ tăng dần, tháng nào tôi cũng phải trả nợ, để rồi lại nợ nhiều hơn”, ông Hounanian kể lại kinh nghiệm của bản thân.

Một số chuyên gia cho biết việc hai thế hệ trong một gia đình cùng chịu gánh nợ sinh viên là một chuyện thường thấy. Đó là trường hợp của Walters – nữ sinh viên mặc dù nhận được học bổng song vẫn phải vay gần 20.000 USD để trang trải những năm tháng học tập tại đại học California Berkeley.

“Mỗi khoản đều có mức lãi riêng và phương thức thanh toán riêng”, Walters thở dài nói. Cô cho hay suốt thời thơ ấu luôn nghe mẹ kể về khoản nợ sinh viên ám ảnh trong khi năm nay mẹ cô đã 58 tuổi.

“Tôi nghe mẹ nói suốt về khoản nợ làm kinh tế gia đình trở nên vô cùng khó khăn. Chúng tôi không dám đi nghỉ mát, không được mua đồ dùng học tập cho năm học mới, chúng tôi cũng nhận được ít quà sinh nhật hơn”, Walters nhớ lại.

Cô gái trẻ hy vọng nợ sinh viên sẽ là vấn đề trọng tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

“Người Mỹ đã cứu phố Wall. Bây giờ là lúc phố Wall giúp đỡ tầng lớp trung lưu”, Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders ám chỉ tới bộ phận tầng lớp cho vay trong cuộc suy thoái kinh tế cuối những năm 2000.

Trong khi đó, ứng viên Đảng Dân chủ Elizabeth Warren cũng đề xuất xóa nợ cho sinh viên và miễn phí đại học công. “Cha tôi lớn lên trong một gia đình cực kỳ nghèo ở miền Nam California. Lý do duy nhất ông học lên đại học là vì được miễn học phí”, bà Warren chia sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức