10:13 19/10/2021

Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại về động thái mới của Triều Tiên

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành cuộc điện đàm định kỳ qua đường dây liên lạc nóng trong sáng 19/10, tuy nhiên Bình Nhưỡng không hề đề cập về vụ phóng mới nhất của nước này.

Chú thích ảnh
Trong ảnh (do Hãng thông tấn KCNA đăng phát): Triều Tiên phóng thử tên lửa phòng không mới của Học viện Khoa học quốc phòng, ngày 30/9/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hàn Quốc và Triều Tiên thực hiện các cuộc trao đổi đều đặn hằng ngày qua văn phòng liên lạc vào lúc 9 giờ sáng và 5 giờ chiều (theo giờ địa phương). Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết "hoạt động liên lạc đã diễn ra bình thường vào sáng nay, tuy nhiên (Triều Tiên) không đề cập gì đến tình hình của ngày hôm nay". 

Cuộc trao đổi sáng 19/10 giữa hai bên diễn ra chỉ chỉ khoảng một giờ trước khi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng vật thể bay từ một địa điểm gần Sinpo, thuộc tỉnh Nam Hamgyong, ra vùng biển phía Đông của nước này. Triều Tiên trước đó từng nhiều lần phóng thử các loại tên lửa từ vùng phụ cận Sinpo. Sinpo là một nhà máy đóng tàu hải quân lớn và các bức ảnh vệ tinh được công bố trước đây cho thấy các tàu ngầm được đóng tại cơ sở này, do đó quân đội Hàn Quốc cho rằng vật thể bay mà Bình Nhưỡng phóng đi là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Hãng tin Yonhap dẫn một nguồn thạo tin cho biết tên lửa đạn đạo của Triều Tuên đã bay xa 430-450km và đạt độ cao nhất là 60km.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đang chờ kết quả phân tích của quân đội. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc cùng ngày bày tỏ "hết sức lấy làm tiếc" về vụ phóng nói trên của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh), NSC đã triệu tập họp ngay sau vụ phóng này.

Thông cáo báo chí của NSC nêu rõ: "Các thành viên NSC bày tỏ hết sức lấy làm tiếc vì vụ phóng của Triều Tiên xảy ra vào thời điểm đang diễn ra các cuộc tham vấn tích cực với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các quốc gia lớn khác, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Các thành viên NSC hối thúc Triều Tiên nhanh chóng quay trở lại đối thoại".

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, các quan chức cấp cao của Nhật Bản và Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm về các vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên. Tuy không nêu chi tiết cuộc thảo luận, cũng như các thành phần tham gia đối thoại, nhưng Kyodo cho biết hai bên nhất trí hợp tác hơn nữa trong khu vực. Thủ tướng Fumio Kishida trước đó tuyên bố nước này đã phát hiện hai tên lửa đạn đạo được phóng đi từ Triều Tiên, đồng thời bày tỏ "đáng tiếc" vì Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, hãng tin Sputniknews dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, cho rằng các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Ông Kishi nêu rõ: "Kể từ tháng 5/2019, Triều Tiên thường xuyên tiến hành các vụ thử tên lửa. Mục đích rõ ràng là để tăng cường công nghệ tên lửa. Các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn bộ cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản".

Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki thông báo nước này đang phân tích nơi tên lửa mà Triều Tiên đã rơi xuống trong sáng 19/10.

Giới phân tích nhận định, một loạt vụ phóng gần đây của Triều Tiên, cũng như việc khai mạc triển lãm quân sự khác thường tại Bình Nhưỡng hồi tuần trước, chứng tỏ nước này có thể khôi phục các hoạt động quân sự và quốc tế sau gần hai năm tập trung các vấn đề nội bộ. Những hoạt động này cũng được xem là nhằm gia tăng sức ép đối với Hàn Quốc và Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đã đình trệ suốt hai năm qua.

Thanh Phương (TTXVN)