10:19 04/10/2022

Hàn Quốc thu lợi lớn nhờ xuất khẩu vũ khí

Hàn Quốc đang vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, đồng thời thu được lợi nhuận khổng lồ 10 tỷ USD nhờ bán máy bay chiến đấu và tên lửa.

Chú thích ảnh
Một chiếc FA-50 Fighting Eagle. Ảnh: Wikipedia

Theo trang tin Eurasiantimes.com ngày 3/10, Hàn Quốc đang vươn lên nhanh chóng trong bảng xếp hạng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc mới đây xác nhận rằng nước này đã tăng gấp ba lần xuất khẩu vũ khí trong 2 năm qua.

Theo đó, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ đạt 10 tỷ USD vào cuối năm 2022, gần gấp ba so với năm 2020. Xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn 2016-2020 tăng 210% so với giai đoạn 2011-2015, chiếm 2,7% thị phần toàn cầu về xuất khẩu trang thiết bị quân sự.

Khả năng sản xuất các hệ thống vũ khí khác nhau của ngành quốc phòng Hàn Quốc nhằm đáp ứng các thách thức an ninh cụ thể mà các khách hàng tiềm năng phải đối mặt đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu quốc phòng của nước này.

Trước khi giới thiệu các sản phẩm quốc phòng của mình cho bất kỳ quốc gia nào, Hàn Quốc tiến hành phân tích kỹ lưỡng các thách thức về an ninh, tài chính và cấu trúc công nghiệp của bên mua, dựa vào đó điều chỉnh quảng cáo sản phẩm theo yêu cầu. Điều này có nghĩa là Seoul có thể đề nghị hợp tác sản xuất vũ khí với một công ty nước ngoài hoặc đề nghị bán thiết bị cũ với giá rẻ hơn.

Tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc đã thực hiện một bước đột phá đáng kể vào thị trường châu Âu bằng cách ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng với Ba Lan liên quan việc mua ba phi đội máy bay FA-50, xe tăng K2 và hơn 600 xe tăng K9.

Đây là một thắng lợi lớn đối với Hàn Quốc, vì nước này đã nỗ lực phối hợp trong những năm gần đây để xuất khẩu FA-50 sang nhiều quốc gia khác nhau, mới nhất là Ba Lan.

Các quốc gia đã mua F-50 từ Hàn Quốc bao gồm Philippines và Iraq. Máy bay loại này lần đầu tiên xuất hiện trong chiến dịch Marawi ở Philippines khi được sử dụng để chống khủng bố có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ngoài ra còn có một biến thể huấn luyện của loại máy bay chiến đấu này, được gọi là máy bay huấn luyện tiên tiến T-50 Golden Eagle, đã được bán cho Indonesia và Thái Lan.

Không quân Colombia đã lựa chọn phiên bản hỗn hợp máy bay TA-50 và FA-50 trong chương trình mua sắm trị giá 600 triệu USD để thay thế cho phi đội máy bay tấn công hạng nhẹ Cessna A-37B Dragonfly đã quá hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, F-50 cũng đang cạnh tranh với Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Tejas Mk1A của Ấn Độ do Hindustan Aeronautics Limited (HAL) chế tạo với hợp đồng 36 máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF).

Chú thích ảnh
Tên lửa tầm trung đất đối không Cheongung II. Ảnh: Hanwha Defense

Với K9 Thunder của Hàn Quốc, đây được coi là một trong những loại pháo tự hành 155 mm tiên tiến nhất thế giới, đã được xuất khẩu cho một số cường quốc quân sự lớn như Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ai Cập, Ba Lan, Phần Lan, Na Uy và Estonia.

Tương tự như vậy, Hyundai Rotem K2 (Black Panther) của Hàn Quốc cũng được coi là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tốt nhất thế giới. Nó có thể cạnh tranh với Leopard 2A7 của Đức để thay thế hạm đội Leopard 2A4 MBT đã "già cỗi" của quân đội Na Uy. 

Ngoài ra, Ai Cập cũng đang đàm phán với Hàn Quốc để hợp tác sản xuất xe tăng chiến đấu K2 Black Panther. 

Đầu năm nay, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất để xuất khẩu hệ thống tên lửa đất đối không (M-SAM) tầm trung Cheongung II. Thỏa thuận trị giá khoảng 3,5 tỷ USD là thỏa thuận xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử của nước này.

Tóm lại, Seoul đã tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của mình không chỉ về số mà còn cả về phạm vi. Tất cả các thiết bị quân sự chính do Hàn Quốc sản xuất ngày nay, bao gồm máy bay phản lực T/FA-50, xe tăng chiến đấu chủ lực K2 (MBT) và pháo tự hành K9, đều được tự phát triển ở quy mô lớn.

Công Thuận/Báo Tin tức