Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 24/1 thông báo Chính phủ nước này sẽ triển khai đường dây nóng giữa Văn phòng của quyền Tổng thống Choi Sang Mok với các cơ quan đảm bảo trật tự công cộng và an toàn cho những người thực thi công vụ, nhằm đảm bảo thông tin được truyền đạt kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
Theo hãng tin Yonhap, động thái trên được thực hiện sau khi có thông tin cảnh sát đã không thể báo cáo kịp thời lên quyền Tổng thống Choi Sang Mok về việc có nhóm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol xông vào Tòa án Quận Tây Seoul hồi cuối tuần trước. Nhóm người biểu tình này phản đối quyết định của tòa án chính thức bắt giữ Tổng thống Yoon liên quan việc ông đã ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12.
Theo các báo cáo trước đó, quyền Tổng thống Choi Sang Mok nhận được thông tin về sự việc vào lúc 9 giờ 50 phút sáng 19/1, tức hơn 6 giờ sau khi sự việc xảy ra.
Trong một thông báo, Bộ Tài chính Hàn Quốc nêu rõ việc lập đường dây nóng nói trên sẽ đảm bảo thông tin thông suốt và lực lượng cảnh sát có thể ngay lập tức thông báo cho quyền Tổng thống các thông tin hay các vụ việc khẩn cấp liên quan đến trật tự công cộng. Ngoài ra, bộ này cũng đang lên kế hoạch nâng cấp hệ thống chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ nhằm đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả trong công tác quản lý.
Trong một diễn biến khác liên quan đến tiến trình xét xử về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, phóng viên TTXVN tại Seoul cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun ngày 23/1 đã giảm nhẹ các cáo buộc nhằm vào Tổng thống Yoon về việc ban hành thiết quân luật.
Phát biểu tại Tòa án Hiến pháp với tư cách nhân chứng và tham gia đối chất trong phiên tòa xét xử lần thứ 4 có cả sự tham gia của Tổng thống Yoon, cựu Bộ trưởng Kim cho biết Tổng thống Yoon chỉ chỉ thị huy động binh lực tối thiểu khi ban bố lệnh giới nghiêm, khác với đề xuất của chính ông Kim là cần tới 60.000 người để thực thi thiết quân luật.
Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Kim cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng Tổng thống Yoon đã ra lệnh cho quân đội xông vào tòa nhà Quốc hội để ngăn các nhà lập pháp bỏ phiếu bãi bỏ sắc lệnh. Ông khẳng định Tổng thống Yoon chỉ yêu cầu theo dõi chặt chẽ những người có hành vi gây rối và cho phép "xâm nhập có chọn lọc". Bên cạnh đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng cũng thừa nhận chính ông đã điều quân đội đến trụ sở Quốc hội, nhưng sau đó đã rút lại kế hoạch theo lệnh của Tổng thống Yoon.
Cũng theo lời của cựu Bộ trưởng Kim khi ông tham gia phần chất vấn của luật sư của Tổng thống Yoon, chính ông đã viết "mẩu giấy ghi chỉ thị về việc lập ngân sách cho cơ quan lập pháp khẩn cấp" để gửi ông Choi Sang-mok, khi đó là Bộ trưởng Tài chính, vào đúng ngày ban hành thiết quân luật. Mục đích viết mẩu giấy này là nhằm đề nghị ông Choi kêu gọi sự ủng hộ của quan chức ngoại giao các nước đang đóng tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, do ông Choi đến muộn nên ông Kim không gặp được trực tiếp, phải đưa giấy thông qua cấp dưới.
Ngoài ra, ông Kim còn cho biết thêm, trong cuộc họp Nội các diễn ra trước khi ban bố thiết quân luật, một số thành viên Nội các đã đồng ý với việc này. Ông Kim từ chối trả lời cụ thể những ai đã đồng ý nhưng lời khai này của ông khác với phát biểu trước đó của các thành viên Nội các.
Tại phiên tòa, Tòa án Hiến pháp đã chấp thuận "mẩu giấy" của ông Kim là chứng cứ cho phiên tòa, đồng thời cũng chấp nhận biên bản lời khai từ những người có liên quan tới vụ việc đã được cơ quan điều tra trình lên trước đó, trong đó có cả tài liệu mật của Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) liên quan tới Ủy ban quản lý bầu cử trung ương. Điều này cho thấy Tòa án Hiến pháp dự kiến sẽ xem xét cả về nghi vấn gian lận bầu cử mà phía Tổng thống đã đưa ra, bối cảnh dẫn đến việc ông Yoon phải ban bố thiết quân luật.
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 21/1 của Tòa án Hiến pháp, Tổng thống Yoon cũng đã phủ nhận việc ông ra lệnh cho quân đội kéo các nghị sĩ ra khỏi tòa nhà Quốc hội trong thời gian áp dụng thiết quân luật. Ông cũng nói không biết việc có ghi chú “lập ngân sách cho cơ quan lập pháp khẩn cấp”.
Tòa án Hiến pháp sẽ tiếp tục xét xử 2 phiên mỗi tuần và nhóm luật sư của Tổng thống Yoon cho biết ông Yoon sẽ có mặt tại tất cả các phiên điều trần còn lại, nếu có thể.
Trong một diễn biến mới nhất, Yonhap ngày 24/1 dẫn thông báo của cơ quan công tố cho biết cơ quan này đã đệ đơn xin gia hạn giam giữ Tổng thống Yoon đến ngày 6/2 nhằm đẩy nhanh cuộc điều tra liên quan đến lệnh thiết quân luật.
Tổng thống Yoon bị bắt hôm 19/1. Theo luật, ông bị tạm giữ tối đa 10 ngày và có thể gia hạn một lần. Trước đó, Văn phòng điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao (CIO) đã chuyển vụ án cho bên công tố, do không có đủ thẩm quyền truy tố Tổng thống.
Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho biết Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra quyết định vào đầu tháng tới về việc liệu quyền Tổng thống Choi Sang Mok hoãn bổ nhiệm một thẩm phán của tòa án này có hợp hiến hay không.