07:07 18/07/2016

Hàn Quốc lợi đôi đường với "du học tại chỗ”

Giải pháp “du học tại chỗ” đang được nhiều phụ huynh Hàn Quốc lựa chọn thay vì đưa con ra tận nước ngoài. Giải pháp này lợi cả đôi đường khi gia đình không phải sống xa nhau quá mà vẫn đảm bảo chất lượng học tập, đặc biệt là tiếng Anh.

Vợ chồng bà Cho Haeng - do là một trong số ngày càng nhiều người chọn hình thức “du học tại chỗ” cho con. Họ đã quyết định cho cô con gái 15 tuổi chuyển từ Seoul tới đảo Jeju sau khi cô bé được nhận vào Branksome Hall Asia - trường nội trú Canada có chi nhánh tại đây. Chồng bà sẽ ở lại Seoul làm việc còn bà và con gái mua một căn hộ gần trường ở đảo Jeju. Trước đó, bà đã định cho con ra nước ngoài du học nhưng thay đổi ý kiến. Bà Cho nói: “Học vấn quan trọng nhưng gia đình còn quan trọng hơn với chúng tôi. Jeju gần nên vợ chồng, bố con có thể gặp nhau dễ dàng”.

Trường Branksome Hall Asia trên đảo Jeju của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Hiện nay, Hàn Quốc là địa điểm mà nhiều trường quốc tế chọn để mở chi nhánh. Ngoài trường Branksome Hall Asia mà con bà Cho đang theo học, còn có trường North London Collegiate School của Anh cũng mở tại Jeju từ năm 2011. Trường nội trú Mỹ St. Johnsberry sẽ mở cửa tại Hàn Quốc tháng 9/2016 tới. Ngoài ra, học sinh còn có thể lựa chọn trường quốc tế Hàn Quốc do công ty Hàn Quốc điều hành nhưng dựa trên chương trình học nội trú của Mỹ. Các trường trên đều thuộc dự án Trung tâm Phát triển Thành phố Quốc tế Tự do Jeju (JDC) trị giá 1,51 tỷ USD.

Chính phủ Hàn Quốc năm 2008 đã lần đầu tiên đề xuất thành lập thành phố trường học tiếng Anh gồm các trường danh tiếng phương Tây nhằm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh khi xu hướng học sinh du học từ nhỏ bùng nổ. Bố mẹ sống xa nhau trong nhiều năm khiến cuộc hôn nhân rạn rứt, vai trò của người bố với con cái bị suy giảm. Nhiều ông bố, bà mẹ xa nhau khi con đi du học đã ngoại tình, dẫn tới hôn nhân đổ vỡ. Hơn thế nữa, giới chức Hàn Quốc lo lắng khi một lượng tiền của lớn đổ ra nước ngoài để đóng học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ, nhiều khả năng dẫn tới nguy cơ chảy máu chất xám.

Các trường học đóng trên hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju đã thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc trì trệ, thị trường việc làm khó khăn hơn với sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài. Những sinh viên này đã không còn bám sát tình hình trong nước và đôi khi lại không thành thạo tiếng mẹ đẻ. Số lượng học sinh nhập học ba trường trên đảo Jeju đã tăng hơn gấp ba, lên 2.404 trong giai đoạn từ cuối năm 2011 tới tháng 12/2015. Trái lại, học sinh Hàn Quốc từ cấp tiểu học tới trung học đi du học đã giảm 12%/năm, xuống còn 10.907 trong năm học 2014 - 2015. Nếu xu hướng này tiếp tục, số lượng học sinh đi du học sẽ giảm xuống dưới 10.000 người trong năm 2016 lần đầu tiên trong 14 năm qua. Năm 2006, số học sinh Hàn Quốc đi du học lên tới đỉnh điểm 30.000.

Tuy nhiên, cơ hội học tại các trường danh giá thuộc dự án JDC đi kèm một số tiền cao ngất. Học phí hàng năm từ 25 đến 50 triệu won (22.000 - 44.000 USD) tùy vào bậc học và nơi ở, đắt hơn nhiều so với các trường công ở Hàn Quốc, nhưng rẻ hơn so với đi du học nhờ chi phí ăn ở thấp hơn. Những học sinh tới Jeju học tránh được các vấn đề như quên tiếng hoặc nền văn hóa Hàn Quốc.

Khi ngày càng trở nên nổi tiếng, dự án JDC đặt mục tiêu có 7 trường với 9.000 học sinh tới năm 2021. Nếu kế hoạch này được thực hiện, dự án sẽ tạo ra giá trị kinh tế 368,7 tỷ won/năm. Để thu hút thêm trường nhằm cạnh tranh với các trung tâm giáo dục ở châu Á như Hong Kong và Singapore, các chuyên gia đề xuất chính phủ giảm nhẹ quy định đối với các trường và tăng ưu đãi.

Dù vậy, hệ thống trường học tư nhân đắt đỏ cũng không tránh được điều tiếng. Một số người chỉ trích dự án JDC vì các trường chỉ dành cho con nhà giàu. Số khác nhấn mạnh rằng cần phát triển các cơ sở giáo dục trong nước thay vì tạo điều kiện cho các cơ sở nước ngoài.

Thùy Dương