07:13 28/07/2025

Hàn Quốc: Hé lộ khả năng phi công tắt nhầm động cơ trong thảm kịch Jeju Air

Theo thông tin cập nhật từ Uỷ ban Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt Hàn Quốc (ARAIB), chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air còn 1 động cơ hoạt động khi gặp sự cố trong thảm kịch khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng hồi tháng 12 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc ngày 30/12/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chiếc Boeing 737-800 đã đâm phải chim khi tìm cách hạ cánh xuống sân bay Muan thuộc tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc). Phi công đã tìm cách hạ cánh bằng bụng song không thể giảm tốc. Máy bay đã lao khỏi đường băng rồi bốc cháy dữ dội sau khi đâm vào tường bê tông. Đây được coi là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Hiện báo cáo cuối cùng về vụ tai nạn chưa được công bố, song các thông tin liên quan đến 2 động cơ của máy bay bắt đầu được hé lộ.

Theo ARAIB, cả 2 động cơ đều chịu hư hỏng do va chạm với chim và xuất hiện hiện tượng rung. Động cơ bên phải đã nổ do áp suất cao, phát tia lửa và bốc khói đen, song mức độ hư hại cụ thể của động cơ bên trái không được mô tả chi tiết. Tuy nhiên, tổ lái đã tắt động cơ bên trái 19 giây sau va chạm. Bên cạnh đó, nhóm điều tra khẳng định động cơ bên phải dù hư hại nghiêm trọng hơn song vẫn tạo được lực đẩy đủ để duy trì độ cao lâu hơn.

Khả năng tổ lái tắt nhầm động cơ ít bị hư hỏng hơn có phần tương tự với thảm họa hàng không năm 1989 tại Kegworth (Anh), trong đó phi công đã tắt nhầm động cơ vẫn hoạt động tốt, khiến chiếc Boeing 737-400 bị rơi, làm hàng chục người thiệt mạng. Vụ việc đã dẫn đến hàng loạt thay đổi về quy định an toàn hàng không, trong đó có việc cải thiện quy trình liên lạc và xử lý tình huống khẩn cấp trong buồng lái.

Bản điều tra cập nhật ngày 19/7 không nêu rõ lý do phi hành đoàn quyết định tắt động cơ bên trái. Công tác điều tra chuyên sâu góc nhìn của phi hành đoàn tại thời điểm xảy ra sự cố, đồng thời tái dựng tình trạng kỹ thuật của máy bay có thể kéo dài nhiều tháng.

Các chuyên gia hàng không cho biết hầu hết tai nạn hàng không đều do nhiều nguyên nhân kết hợp. Do đó, việc đưa ra kết luận tại thời điểm này là chưa khả thi.

Theo báo cáo điều tra của ARAIB, các động cơ của chiếc máy bay do CFM International - liên doanh giữa GE (Mỹ) và Safran (Pháp) - chế tạo. Kết quả giám định hồi tháng 5 không ghi nhận lỗi kỹ thuật nào ngoài hư hại sau va chạm với chim và tường bê tông.

Trong một diễn biến khác, thân nhân các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay đề nghị cuộc điều tra cần xem xét tác động của tường bê tông chứa thiết bị điều hướng - nơi máy bay đâm phải, viện dẫn khả năng khiến số người thiệt mạng tăng cao.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế, các thiết bị điều hướng nằm trên đường băng kéo dài phải được lắp đặt trên kết cấu vật liệu có khả năng giảm thiểu tác động khi va chạm.

Bộ Giao thông Hàn Quốc đã xác định có 7 sân bay nội địa, trong đó có sân bay Muan, hiện lắp đặt thiết bị điều hướng trên kết cấu bê tông và thép. Hiện các bản thiết kế thay thế vật liệu phù hợp cho các sân bay đang được triển khai.

Hãng hàng không Jeju Air hiện phối hợp chặt chẽ với ARAIB trong việc điều tra vụ tai nạn.

Theo quy định quốc tế, các cuộc điều tra tai nạn hàng không dân dụng chỉ nhằm mục đích xác định nguyên nhân, không nhằm truy cứu trách nhiệm pháp lý.

ARAIB dự kiến công bố báo cáo cuối cùng vào tháng 6 năm sau.

Thùy Liên (TTXVN)