12:11 03/12/2019

Hàn Quốc dự thảo luật ngăn chặn hành động xúc phạm trên mạng xã hội

Sau những vụ tự tử gây rúng động xã hội của 2 ngôi sao được mến mộ nhất K-pop, các nhà lập pháp Hàn Quốc đang thúc đẩy một dự luật giáo dục bắt buộc trong trường học và các doanh nghiệp tư nhân nhằm ngăn chặn nạn bắt nạt, bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Sulli đã tự tử tại sau cuộc chiến dai dẳng chống lại các cuộc tấn công liên tiếp từ những kẻ dùng lời lẽ xúc phạm cô trên mạng xã hội. Ảnh: AFP

Theo báo Anh The Telegraph, dự luật mới mang tên “Đạo luật Sulli” do bà Kim Su-min, người đứng đầu Đảng Bareunmirae đề xuất. Tên của dự luật được đặt theo nghệ danh của nữ ca sĩ Choi Jin-ri, cô gái 25 tuổi đã tự kết liễu đời mình hồi tháng 10 sau cuộc chiến dai dẳng chống lại các cuộc tấn công liên tiếp từ những kẻ dùng lời lẽ xúc phạm cô trên mạng xã hội. 

Đạo luật mới sẽ đưa ra các hình phạt cho những người cố tình xúc phạm người khác trên mạng xã hội, đồng thời khuyến khích việc giáo dục học sinh, sinh viên và nhân viên về sự nguy hiểm của vấn nạn bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Sulli từng được coi là nữ hoàng K-pop sau khi từ một diễn viên nhí trở thành thành viên xuất sắc của nhóm nhạc nữ nổi tiếng F(x). Tuy nhiên, với quan điểm quá thẳng thắn về các vấn đề như tuổi tác, quyền phụ nữ, phá vỡ định kiến giới tính và đi ngược lại khuôn mẫu điển hình của sự hoàn hảo được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp K-pop là sự mềm mại, nữ tính, cô gái 25 tuổi đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Sulli thường xuyên bị xúc phạm bằng những bình luận ác ý và những lời miệt thị gay gắt khi tham gia chiến dịch nữ quyền ủng hộ việc không mặc áo ngực.

Chỉ khoảng 1 tháng sau, người bạn tâm giao của Sulli – nữ ca sĩ Goo Hara (28 tuổi) – cũng được phát hiện trong tình trạng tử vong tại nhà riêng. Cảnh sát kết luận nữ ca sĩ này đã tự tử sau thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm. Được biết, những lời lẽ quấy rối trên mạng xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của cô.

Chú thích ảnh
Những lời lẽ quấy rối trên mạng xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thần thần kinh của Goo Hara. Ảnh: The Telegraph

Tên tuổi của Goo Hara từ vinh quang đã bị kéo xuống vũng bùn bởi cáo buộc bạn trai cũ tống tiền cô qua một cuốn băng nhạy cảm. Hồi tháng 7, Hara đã từng tiết lộ trên tài khoản Instagram của mình rằng cô đã bị trầm cảm và cầu xin những người chỉ trích cô rủ lòng thương. “Bạn có thể tự hỏi xem mình là người như thế nào trước khi đăng một bình luận ác ý lên mạng xã hội được không?’, cô viết.

Các vụ tự sát nghiêm trọng đã thu hút sự quan tâm đến vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội ở Hàn Quốc, nơi được truyền thông tại một quốc gia có tỷ lệ tự tử cao thứ 10 trên thế giới gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Những cái chết rất gần nhau là một lời cảnh tỉnh trước thực tế nghiệt ngã, không chỉ đối với những người nổi tiếng trong giới K-pop mà với tất cả những người dễ bị tổn thương khi phải đối mặt với lạm dụng và miệt thị.

Theo một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc vào năm ngoái, có đến 10,8% sinh viên được khảo sát đã từng bị bắt nạt trên mạng xã hội.

“Đạo luật Sulli đã được soạn thảo sau khi tham khảo ý kiến của các giáo viên tại nhiều trường học. Hầu hết mọi người đều ủng hộ và cho rằng giáo dục là biện pháp hiệu quả có thể ngăn chặn tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội. Dù đã diễn ra trong một thời gian rất dài, nhưng chưa có bất kỳ điều luật nào được đưa ra. Đây là dự luật đầu tiên chống lại vấn nạn này”, cô Kim- su Min chia sẻ.

Chú thích ảnh
Đám tang của nữ ca sĩ Goo Hara. Ảnh: Getty Images

Ông Min Byeong-cheol, chuyên gia nghiên cứu vấn nạn bắt nạt trên mạng xã hội đang nỗ lực soạn thảo dự luật. Ông cho biết các công ty và trường học sẽ phải đối mặt với hình phạt thích đáng nếu không thực hiện đúng nội dung điều luật. “Viết ra những bình luận ác ý không chỉ phá hoại tâm hồn của một người mà nó còn có thể cướp đi mạng sống của họ”, ông nói.

Sulli và Goo Hara không phải là hai nghệ sĩ đầu tiên lựa chọn kết thúc cuộc đời mình khi phải chịu quá nhiều áp lực. Trước đó, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trong làng giải trí K-pop cũng đã phải tìm đến cái chết khi không thể dập tắt được ngọn lửa chỉ trích của đám đông.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng dù hơi muộn màng khi đến thời điểm này, Hàn Quốc mới bắt đầu quan tâm thắt chặt những lời lẽ xúc phạm trên mạng xã hội, nhưng để hạn chế những sự việc tương tự, những lời bình luận ác ý cần phải được xử phạt thích đáng. 

Hải Vân/Báo Tin tức