08:19 22/08/2019

Hàn Quốc đề cao ý nghĩa của việc tiếp tục đối thoại với Nhật Bản 

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đánh giá cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ngày 21/8 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) dù rất ít tiến triển nhưng có ý nghĩa trong việc tiếp tục đối thoại nhằm giải quyết tranh cãi về lịch sử thời chiến và thương mại.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/8. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Phát biểu với báo giới  ngày 22/8 khi trở Seoul về từ Bắc Kinh, bà Kang nói: "Tôi vẫn nặng lòng khi nhắc đến (nỗ lực) giải quyết các vấn đề giữa hai quốc gia, song ý nghĩa nằm ở thực tế là (hai nước) vẫn tiếp tục con đường đối thoại và liên lạc".

Tại cuộc hội đàm, ngoại trưởng hai nước đã không tìm được giải pháp để xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia xuất phát từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vật liệu công nghệ cao gần đây của Nhật Bản đối với Hàn Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cũng tại cuộc họp báo trên, bà Kang cho biết quyết định của Seoul hủy bỏ Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản tách biệt với liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ. Bà giải thích quyết định này xuất phát từ "vấn đề niềm tin" giữa Seoul và Tokyo, đồng thời nhấn mạnh: "Mỹ - Hàn sẽ không ngừng tăng cường hợp tác".

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó phối hợp chặt chẽ với Mỹ dựa trên liên minh vững mạnh giữa hai nước, không liên quan đến quyết định ngừng GSOMIA giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thông cáo báo chí, Bộ trên cũng cho biết sẽ thực thi đầy đủ quyết định của chính phủ về việc ngừng chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.

Hiện Chính phủ Nhật Bản đã phản đối việc Hàn Quốc hủy GSOMIA. Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, quyết định của Hàn Quốc ngừng hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo là "cực kỳ đáng tiếc".

GSOMIA là hiệp định chia sẻ thông tin quân sự đầu tiên giữa Seoul và Tokyo kể từ khi Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của Phát xít Nhật (1910-1945). Hiệp định này được ký tháng 11/2016, nhằm chia sẻ các thông tin nhạy cảm về mối đe dọa do các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24/8. Động thái hủy GSOMIA từ phía Hàn Quốc làm dấy lên lo ngại có thể làm xói mòn hợp tác an ninh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn.         

 Bích Liên - Mạnh Hùng (TTXVN)