02:22 25/02/2016

Hạn, mặn kỷ lục do hồ chứa thượng nguồn

Hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là do hiện tượng suy thoái các con sông trong quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn. Mực nước các dòng sông xuống thấp khiến tình trạng này ngày càng thêm trầm trọng. Đó là nhận định của TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức.

Tình trạng hạn hán xâm mặn ở miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL đã diễn ra nhiều năm qua nhưng vừa qua trở nên trầm trọng. Đây có phải là hiện tượng bất thường không thưa ông?

Trong Luật Phòng chống thiên tai đã quy định hạn hán, xâm mặn là thiên tai. Trong đó, hạn hán, xâm mặn xảy ra trên diện rộng, là một trong những thiên tai đe dọa lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống người dân.

TS Đào Trọng Tứ.

Năm nay, theo các nhà khí tượng thủy văn, là 1 trong những năm hạn hán lớn có chu kỳ 100 năm lặp lại một lần nên nó có tính chất bất thường. Năm 2015, miền Trung và Tây Nguyên hạn hán tương đối nặng và năm nay vẫn tiếp diễn với những diễn biến bất thường hơn.
Đặc biệt, hạn hán xảy ra ở khu vực lưu vực sông Mê Kông đã làm giảm dòng chảy các sông suối, tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập mặn sâu hơn, gây nên tình trạng xâm mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Hạn hán được đánh giá là do ảnh hưởng rất mạnh của El Nino. Theo đánh giá, chu kỳ hạn hán xảy ra càng dài thì tác hại càng nặng nề. Với chu kỳ 100 năm xảy ra một lần như năm nay, tác động của El Nino làm lượng mưa giảm đi, lượng mưa của mùa khô giảm 10 - 20% có nơi 40%.

Cùng với đó, dòng chảy từ thượng nguồn đến hạ lưu bị suy giảm nguồn nước là một trong những nguyên nhân chính gây hạn hán và xâm nhập mặn. Do lượng nước mưa thiếu hụt và thảm thực vật đầu nguồn bị suy giảm lớn nên điều hòa nước mùa khô kém. Đặc biệt, việc xây hồ đập cũng tác động khiến hạ lưu khô hạn, nhiều vùng dòng chảy không còn, dẫn đến hạn hán nghiêm trọng.

Gần đây, nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đến ĐBSCL đã cho thấy, việc phát triển đập thủy điện dày đặc trên các dòng sông là thảm họa mà con người phải chịu trong tương lai để đổi lấy nguồn điện sử dụng trong hiện tại. Việc phát triển các hồ thủy điện còn làm thay đổi cơ cấu dòng chảy sông ngòi, xâm mặn, giảm phù sa đến hạ nguồn…

Ở ĐBSCL chỉ tiếp nhận 5% lượng nước của toàn bộ sông Mê Kông. Nhưng hiện nay ở thượng nguồn sông Mê Kông thuộc địa phận các quốc gia như Trung Quốc chiếm 16% lượng nước, họ đã làm những hồ chứa cực lớn để phát điện. Việc tích nước gây thiếu hụt nước ở hạ lưu hoặc khi xả nước ồ ạt cũng tác động đến hạ lưu rất lớn.

Cùng đó, các nước khác như Lào, Thái Lan… cũng xây dựng các hệ thống đập để lấy nước từ sông Mê Kông về khu vực sông của họ. Do đó, cần có chiến lược hợp tác khu vực mạnh mẽ thể hiện quan điểm của quốc gia hạ nguồn của sông Mê Kông.

Trong tình hình hạn hán và xâm mặn thì chúng ta phải làm gì để giảm thiệt hại cho người dân, thưa ông?

Vừa qua, Nhà nước cũng như các địa phương đã có nhiều biện pháp như xây hồ chứa lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, xây dựng hệ thống cống ngăn mặn, có một số hệ thống chống xâm mặn ở cửa sông tại ĐBSCL…

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino khởi phát từ cuối năm 2014, gây tác động vào năm 2015 và có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa đông - xuân và sau đó có xu hướng giảm dần vào đầu mùa hè 2016. El Nino sẽ gây ảnh hưởng khiến lượng mưa trên cả nước thiếu hụt 25 - 50% so với trung bình nhiều năm. Những tháng đầu năm có thể xảy ra khô hạn gay gắt tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo dự báo đến nửa năm 2016, ảnh hưởng El Nino sẽ giảm đi và hiện tượng mưa lũ có thể tăng dần.

Tuy nhiên, để xây các công trình chống hạn hán là vấn đề lớn vì phụ thuộc nhiều vào vấn đề kinh phí… Chúng ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của các nước khác. Một số nước cũng có lượng mưa thấp không khác gì miền Trung nước ta nhưng họ đã có cách ứng phó tốt với vấn đề khô hạn.

Bên cạnh đó, cần lưu ý là việc Nhà nước đầu tư các hồ chứa mới nhưng chỉ giải quyết được vấn đề khi nước ở thượng nguồn đủ cung cấp cho hạn lưu. Trong trường hợp khô hạn xảy ra thì có giải pháp để thu gom, sử dụng nước tại hạ nguồn là rất cần thiết như xây dựng hồ ngầm, chứa nước trong mùa lũ… Đồng thời cần khuyến khích người dân thu nước tại chỗ. Ví dụ, như năm ngoái Ninh Thuận hạn hán rất lớn nhưng giữa hạn hán cũng có những trận mưa rất lớn khiến một số nơi ngập nhưng lượng nước đó không được thu lại để sử dụng.

Đối với sản xuất nông nghiệp cần chú trọng giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng giúp giảm căng thẳng về sử dụng nước và đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần coi sông suối như mạch máu của quốc gia, coi nước là máu và phải giữ gìn, coi nó là nền tảng của sự phát triển thì mới có được những định hướng phát triển lâu dài không chỉ cho thế hệ hiện nay mà cho cả mai sau.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Trang