04:00 14/04/2020

Hạn, mặn đe doạ Đồng bằng sông Cửu Long

Không ai có thể nghĩ rằng, Đồng bằng sông Cửu Long lại có ngày thiếu nước ngọt một cách trầm trọng như hiện nay. Bởi xưa giờ, nói đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) người ta thường nghĩ đến là vùng đất có kênh rạch chằng chịt, là vùng ngập lũ, là “túi” nước ngọt của cả Nam Bộ.

Thế nhưng những ngày này, người dân các tỉnh ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, khiến các địa phương này phải công bố tình trạng khẩn cấp về hạn, mặn.

Chú thích ảnh
Ruộng lúa bị thiệt hại do thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tại Tiền Giang, từ sau Tết nguyên đán 2020, người dân các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông đã phải “gồng mình” chống hạn, mặn xâm nhập gây thiệt hại lúa và hoa màu, giờ đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt cũng đã không còn. Hiện mỗi ngày, người dân các địa phương này phải dùng can nhựa để đến các điểm có xe bồn cấp nước của chính quyền hoặc của các nhà hảo tâm chở từ thị xã Gò Gông hoặc từ TP Hồ Chí Minh về cung cấp cho bà con. Không còn nước ngọt cho sinh hoạt, các hoạt động sản xuất khác hầu như đình trệ và mỗi ngày, trong suy nghĩ của người dân là làm sao có được vài chục lít nước ngọt để có thể nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa… cho cả gia đình. Đây được xem là đợt hạn mặn kỷ lục kể từ đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016.

Thật sự, trong tâm trí của người dân Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, không ai nghĩ có ngày “túi” nước ngọt của Nam Bộ lại khan hiếm đến vậy. Và không ai nghĩ rằng, hạn mặn có thể “xâm chiếm” ĐBSCL với tốc độ nhanh và lặp lại trong khoảng thời gian ngắn đến vậy.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt hiện nay của ĐBSCL, ngoài sự sụt lún nghiêm trọng của đất nền (có nơi lên tới 2-3 cm mỗi năm) còn do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng (trung bình khoảng 3 – 4 mm/năm) và nhất là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do hàng trăm đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong gây ra. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc và các nước thượng nguồn sông Mekong đã liên tục vận hành các đập thủy điện làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu; làm mặn xâm nhập sớm, sâu hơn trên diện rộng của hệ thống sông, kênh rạch ĐBSCL.

Chú thích ảnh
Mỗi ngày, người dân phải mang can nhựa đến các điểm có xe bồn chở nước sạch để lấy về ăn uống, sinh hoạt. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Trước việc “kho lương thực của cả nước” và đời sống của 20 triệu dân hiện đang bị đe doạ và xáo trộn, cũng như đang phải chịu rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, sinh hoạt từ việc thiếu nước ngọt, các ngành chức năng và địa phương cần đẩy nhanh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ trong ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Bởi, việc ứng phó với hạn, mặn gay gắt của người dân các địa phương hiện nay vẫn mang tính “chữa cháy” tại chỗ mà chưa có sự vận hành của những công trình mang tính khu vực hay toàn vùng. Trong khi đó, tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL – điều đã và đang liên tục xảy ra, dự báo ngày càng trở nên nghiêm trọng trong các mùa khô tiếp theo.

Do vậy, những điều cần làm trước mắt hiện nay là đẩy mạnh chương trình cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt không bị gián đoạn khi hạn, mặn; đồng thời nên tính đến việc xây dựng các hồ phân tán, cục bộ cho từng vùng có khả năng khan hiếm nước ngọt. Những hồ này có sức chứa đủ để phục vụ cho những mục tiêu thiết yếu, ưu tiên nhất là nước sinh hoạt hoặc có thể thêm sản xuất nhỏ, nhằm chủ động nguồn nước ngọt cho dân sinh trong những tháng mùa khô.

Bên cạnh đó, điều cốt yếu hiện nay là cần thay đổi tư duy sản xuất nhiều lúa gạo, bởi nước ta từ lâu đã bước qua giai đoạn thiếu lương thực và trở thành nước xuất khẩu gạo nằm top đầu thế giới. Do đó, để thích ứng với sự biến đổi của vùng, ĐBSCL cần thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng những nơi nào hạn, mặn thường xuyên sẽ thay đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức nuôi trồng ít sử dụng nước ngọt hơn; tăng cường sử dụng nước mặn hoặc nước lợ theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm... mà không phải nơi nào cũng trồng lúa như hiện nay. Tuy nhiên, để có sự thay đổi này, không thể “quy” cho người dân, mà các ngành, các cấp, các địa phương phải là người tiên phong thực hiện. Bởi, nếu không làm từ bây giờ, trong thời gian tới, khi hạn mặn khốc liệt hơn, các địa phương - mà trực tiếp là người dân ĐBSCL - sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn nữa.

Minh Thuyết