05:19 30/05/2020

Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn, ngân hàng hỗ trợ vốn khách hàng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ước tính thiệt hại do hạn hán trên cả nước khoảng 3.310 tỷ đồng, do xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng. Trước những khó khăn này, một số ngân hàng đã thiết kế riêng những gói tín dụng lãi suất thấp dành cho các khách hàng vay vốn để ổn định sản xuất.  

Chú thích ảnh
Một đầm tôm bị khô hạn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyên Trần.

Trong 5 tháng đầu năm, các loại hình thiên tai đã làm thiệt hại 106.869 ha lúa và hoa màu; 7.328 con gia súc, gia cầm chết. Không chỉ vậy, một số địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên còn xảy ra trạng thiếu nước sinh hoạt nông thôn do hạn hán.

Chia sẻ khó khăn này, mới đây nhất, BIDV đã tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng - áp dụng từ nay đến ngày 31/12 nhằm giúp khách hàng cá nhân vượt qua hạn mặn. Lãi suất gói tín dụng này chỉ từ 7,3%năm nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân vay vốn ngắn hạn và dài hạn để ổn định sản xuất kinh doanh vượt qua hạn, mặn tại ĐBSCL và Tây Nguyên.

Theo đó, khách hàng tham gia gói này có thể được vay đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống tích trữ nước ngọt, hệ thống lọc nước, tưới tiêu hay đầu tư, chuyển đổi cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các giống cây có khả năng chịu hạn mặn. Ngoài lãi suất ưu đãi, các khách hàng vay còn được gia hạn, không phải trả nợ gốc đến tối đa 2 năm, phù hợp với thời gian đầu tư, linh hoạt theo năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng. 

Chú thích ảnh
"Nước ngọt cho cuộc sống xanh" - chương trình được phát động bởi BIDV. Ảnh: N.Trần. 

Theo BIDV, gói vay áp dụng với các khoản vay trung dài hạn (từ 36 tháng) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và/hoặc xâm nhập mặn, gồm cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới của BIDV tại khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên.

Để giải quyết khó khăn hiện tại, BIDV cũng sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay cũng như giảm các loại phí giao dịch liên quan để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho khách hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV đã giải ngân hơn 34.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm nhằm đồng hành cùng khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh và giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. 

Tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối mặt với xâm hạn mặn ở ĐBSCL, HDBank vừa triển khai gói ưu đãi lên đến 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay chỉ từ 7,8%/năm. Đối tượng khách hàng được áp dụng gói tín dụng ưu đãi linh hoạt là các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay phục vụ kinh doanh, trong đó có các khách hàng là đại lý phân phối của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời Group) được giới thiệu và hỗ trợ tham gia chương trình tài trợ của HDBank.

Các đại lý tham gia chuỗi được cấp hạn mức bổ sung vốn lưu động ngắn hạn mà không phải bổ sung tài sản đảm bảo với mức lãi suất chỉ từ 7,8%/năm, kỳ hạn linh hoạt từ 2 tháng đến 6 tháng; và các ưu đãi phí khác.

Trước đó, Phó Tổng giám đốc Agribank Lê Xuân Trung cho biết, hiện tại dư nợ cho vay của Agribank tại 5 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang đạt 77 nghìn tỷ đồng. Qua đánh giá sơ bộ, số khách hàng bị ảnh hưởng tại 5 tỉnh trên khoảng 30 nghìn khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1.700 tỷ đồng. 

Agribank tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh trong hệ thống chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát mức độ thiệt hại của các khách hàng đang vay do hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới. Đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khách hàng bị thiệt hại, cũng như chủ động tiếp cận khách hàng mới để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn mới cho vùng bị thiệt hại.

Không chỉ đối mặt khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, khu vực ĐBSCL còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch COVID-19. Khó khăn kép này theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đã tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức