08:14 30/08/2012

Hạn chế xe cá nhân: Chưa nên áp dụng đối với xe máy?

“Đa số người dân đang sử dụng xe máy nên nếu hạn chế phương tiện này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh nói chung…” - ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm.

“Đa số người dân đang sử dụng xe máy nên nếu hạn chế phương tiện này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh nói chung…” - ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm.


Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn diễn ra tại Hà Nội sáng 29/8 đã có đề cập đến một số vấn đề liên quan.
Theo nhìn nhận của ông Bùi Danh Liên thì Đề án hạn chế phương tiện cá nhân được nghiên cứu một cách nghiêm túc, có lộ trình, có ý kiến đóng góp được ghi nhận.

Nhưng ông Liên cũng cho rằng cái khó khăn nhất là mỗi nội dung trong đề án là một tiểu đề án, vì vậy nếu không nghiên cứu kỹ từng tiểu đề án thì khi áp dụng sẽ rất khó khăn, cần phải “tiên lượng” trước những vấn đề khó khăn trước khi thực hiện.

"Chưa nên hạn chế xe máy vì sẽ gây ảnh hướng lớn đến đời sống dân sinh"


“Hiện rất nhiều xe cá nhân không chính chủ, trong khi muốn phạt “nguội” phải là xe chính chủ. Người bán xe hiện nay làm giấy ủy quyền quản lý, sử dụng, đổi chác, thế chấp tài sản có công chứng chứ không sang tên đổi chủ theo quy định vì sang tên đổi chủ phải chịu thuế trước bạ nên người ta lách luật. Đây là một điều khó, Bộ Công an có chỉ đạo thực hiện sang tên đổi chủ thì mất 1 năm chắc cũng chưa làm xong.” - ông Hùng cho hay.


Một vấn đề khác cũng được vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội này dẫn ra là phương tiện cá nhân cần xác định rõ loại nào và đặt câu hỏi, loại xe của doanh nghiệp tư nhân đều biển trắng có phải là xe cá nhân không? Xe của bệnh viện tư biển trắng là xe cá nhân không? Taxi không phải là phương tiện vận tải hành khách công cộng, không phải là xe cá nhân. Vậy taxi thuộc loại xe nào?


Ông Liên cho rằng: “Cần phải bàn bạc giải quyết. Nếu không sửa đổi luật dân sự về việc ủy quyền cũng sẽ dẫn đến rắc rối khi người ta sử dụng ủy quyền chứ không sang tên. Vì vậy đề án nên khởi động từ 2013 và đến 2015 mới thực hiện”.


Liên quan đến Đề án này, trong nội dung thu phí vào nội đô và xử phạt “nguội”, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc gắn chíp điện tử cũng là một khó khăn. Bởi để thu được phí vào nội đô và xử phạt được các phương tiện vi phạm thì cần phải quy định mỗi chủ xe có một tài khoản trong ngân hàng, có số tiền ở mức phạt cao nhất trong tài khoản và cơ quan quản lý phải xây dựng phần mềm. Thu phí nội đô xe trong thành phố thì dễ nhưng xe từ các tỉnh vào thì xử lý thế nào hay họ phải gửi xe ngoài nội đô để vào thành phố?!

Đặc biệt, cần quan tâm tới những giải pháp trước mắt, nên thực hiện những gì không vướng về luật và có thẩm quyền để làm. Bộ GTVT và các thành phố cần thành lập các tổ nghiên cứu thật sâu các tiểu đề án, cái gì vướng tới pháp luật phải giải quyết thật thỏa đáng trước khi làm.


“Trước mắt, chưa nên hạn chế xe máy vì ảnh hưởng đời sống của rất nhiều người dân. Nên hạn chế xe ô tô cá nhân trong một số giờ, hạn chế xe ô tô cá nhân từ vành đai 3 trở vào. Khi hạ tầng chưa phát triển được thì nên ưu tiên cho xe công cộng, bởi thế nên hạn chế ô tô cá nhân ở một số tuyến đường để dành đường cho xe buýt chạy như trên những trục đường chính có mật độ xe buýt cao… Tuy nhiên, từ nay đến 2015 chưa cấm được mà chỉ là bước đệm để thực hiện phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất. Tất cả cần phải có lộ trình và phải làm cho người dân thấu hiểu, chấp nhận được nhằm thực hiện quyết liệt và xử phạt quyết liệt. ” - ông Liên kiến nghị.


Theo dantri.com.vn