01:02 30/01/2012

Hạn chế ùn tắc giao thông cần sự đồng thuận cao của người dân

Vấn đề ùn tắc giao thông đô thị ngày càng trở nên “nóng” trong đời sống kinh tế - xã hội, bởi những bất cập từ hạ tầng cho tới phương tiện, đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông...

Vấn đề ùn tắc giao thông đô thị ngày càng trở nên “nóng” trong đời sống kinh tế - xã hội, bởi những bất cập từ hạ tầng cho tới phương tiện, đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông... Cũng bởi vậy mà tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khi tiếp nhận chiếc ghế “nóng” của ngành đã phải đặt vấn đề giải quyết vấn nạn trên lên hàng đầu trong những việc “cần làm ngay”... Đầu năm Rồng 2012, báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng xung quanh vấn đề này...

Hy vọng, năm 2012, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn sẽ giảm. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

´Theo Bộ trưởng, ngoài thay đổi giờ làm ở những thành phố lớn, thì giải pháp mấu chốt tạo đột phá cho việc giảm thiểu ùn tắc giao thông là gì?


Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13 đã nêu rõ các giải pháp đồng bộ phải thực hiện để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trong đó, thay đổi giờ làm chỉ là một trong gói các giải pháp tổng thể, bao gồm việc: đầu tư phát triển và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.

Chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng: kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông tại các đô thị cần phải có lộ trình và thời gian cũng như sự vào cuộc quyết liệt, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và người dân.

Do nguồn lực có hạn, trước mắt cần ưu tiên triển khai những giải pháp ít tốn kém về tài chính, có thể thực hiện được ngay và đem lại hiệu quả cao như: điều tiết, phân làn giao thông hợp lý; giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông; giảm xung đột tại các ngã tư thông qua việc xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện tải trọng nhẹ dưới 3 tấn và xe mô tô đi qua một số nút giao thông chính của thành phố; cấm xe taxi, xe ô tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm và trên một số tuyến phố…

´Có một thực tế là những phương tiện thô sơ, nhất là người đi bộ khi tham gia giao thông hầu như thiếu tuân thủ những quy định của Luật Giao thông đường bộ. Điều này có nguyên nhân từ việc đối tượng này không bị xử lý nghiêm khi vi phạm… Trong khi đó, những đối tượng này cũng đã từng gây hậu quả tai nạn giao thông cho người khác. Vậy đối với thực tế này, ngành có tham mưu gì để có biện pháp mạnh mang tính răn đe?

Vấn đề trên cũng có những yếu tố khách quan tác động đến hành vi của người tham gia giao thông như người đi bộ đáng lẽ đi trên hè phố nhưng do có phương tiện đỗ, các dịch vụ kinh doanh chiếm dụng hè phố nên họ buộc phải đi xuống lòng đường…

Tuy nhiên, về cơ bản hiện nay nhiều người tham gia giao thông còn thiếu ý thức tuân thủ Luật Giao thông. Vì vậy để hạn chế, cần thực hiện: Tăng cường tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, quy tắc tham gia giao thông đến người dân, nội dung này cần thực hiện bắt đầu ngay từ tổ dân phố; tăng cường các lực lượng chức năng phối hợp để phát hiện và xử lý vi phạm như hiện nay đang xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; nâng cao chế tài xử lý (phạt); nghiên cứu và tổ chức giao thông hợp lý hơn để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông.

´Đối với hạ tầng giao thông chất lượng kém để xảy ra tình trạng ổ gà, ổ trâu thậm chí ở ngay các đô thị lớn, gây mất an toàn giao thông, Bộ trưởng có tính tới quy chế xử lý “rắn” (nghiêm minh) buộc đơn vị liên quan tới công trình phải sớm khắc phục không?

Trước hết phải phân định rõ là có hai loại hư hỏng tại các công trình giao thông.

Đầu tiên là các công trình xây dựng có chất lượng tốt nhưng sớm hư hỏng do việc khai thác, sử dụng có vấn đề. Hiện tượng này không phải là hiếm gặp, đặc biệt là tại các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ. Công trình bị lún, nứt, vỡ lớp bê tông nhựa do phải gánh một lượng rất lớn các phương tiện chở vượt tải trọng thiết kế. Đây là điều mà công luận cần phải sòng phẳng với nhà thầu, chủ đầu tư. Theo Luật Xây dựng, trường hợp công trình giao thông hư hỏng mà nguyên nhân không phải do lỗi của nhà thầu xây dựng công trình thì cơ quan quản lý, khai thác công trình giao thông sẽ phải sửa chữa hư hỏng công trình bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế (do ngân sách nhà nước cấp hàng năm).

Đối với các công trình không đảm bảo chất lượng do thi công không đúng quy trình, thiết kế đề ra, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu, Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát. Ngoài việc phải tự khắc phục các hư hỏng kể cả hết thời gian bảo hành, tùy theo mức độ, những đơn vị liên đới trách nhiệm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 30 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng).

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm minh đối với những hiện tượng làm ăn gian dối, bớt xén, ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Tuy nhiên có một thực tế là tại hầu hết các dự án giao thông, mặt bằng không được chính quyền địa phương bàn giao đúng cam kết, thậm chí là “xôi đỗ”, lắt nhắt đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác tổ chức thi công của nhà thầu và dẫn tới việc chất lượng công trình không đồng đều trong cùng một dự án.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT và các chủ đầu tư rất mong chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng dự án, ngoài việc tham gia giám sát cộng đồng, sẽ hợp tác tốt hơn nữa trong công tác GPMB để các dự án giao thông khắc phục được những sự cố hư hỏng đáng tiếc này.

´Vào mùa mưa, những trận mưa lớn thường gây úng ngập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; vậy Bộ có tính đến những giải pháp chiến lược lâu dài để cùng các địa phương xóa vấn nạn ngập lụt đô thị?

Đối với TP Hồ Chí Minh, mưa kết hợp thủy triều dâng cao thường gây ra ngập lụt ở một số khu vực. Tình trạng ngập lụt đã làm ảnh hưởng đến giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố.

Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện các dự án theo từng bước ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng trong việc tham gia ý kiến đối với các đề án quy hoạch giao thông đô thị và các đề án hạ tầng kỹ thuật khác.

´Theo đánh giá của Bộ trưởng thì loại hình giao thông nào phù hợp với thực tiễn của 2 thành phố lớn Hà Nội và Hải Phòng; trong chiến lược phát triển giao thông đô thị, theo Bộ trưởng nên ưu tiên phát triển loại hình nào cho phù hợp?

Đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông vận tải, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam (VITRANSS2) do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện từ tháng 7/2007 đến tháng 5/2010, trong đó bao gồm quy hoạch giao thông các thành phố.

Đối với quy hoạch của TP Hà Nội và TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bao gồm quy hoạch giao thông đô thị; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020, trong đó bao gồm quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ, mạng lưới giao thông đường sắt, quy hoạch giao thông đường không, quy hoạch luồng tàu, các bến cảng, quy hoạch phát triển cảng hàng không và sân bay, quy hoạch quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển hành khách công cộng.

Đối với Chiến lược phát triển giao thông đô thị, Quyết định số 09/2008/QĐ-TTg đã nêu: “Phát triển hoàn chỉnh vận tải hành khách công cộng với ba hợp phần cơ bản, gồm: Hệ thống vận tải khối lượng lớn (đường sắt đô thị và xe buýt nhanh); hệ thống xe buýt thông thường; hệ thống bổ trợ và các phương tiện giao thông nhỏ. Trong đó đường sắt đô thị là xương sống cho giao thông công cộng của thành phố và xe buýt là phương thức cung cấp dịch vụ tại những nơi mà đường sắt đô thị không phát triển tới; tăng cường cải thiện dịch vụ vận tải hành khách công cộng thông qua các giải pháp như: tổ chức liên thông giữa các phương thức vận tải (bằng cách sử dụng vé chung); cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt, đặc biệt chú trọng các dịch vụ phục vụ người già, trẻ em và người khuyết tật; khuyến khích mở rộng các dịch vụ bán công cộng như xe buýt đưa đón học sinh và công nhân”.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hoàng Yến (thực hiện)