10:01 26/10/2019

Hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch

Du lịch bây giờ không đơn thuần là tham quan, nghỉ dưỡng mà còn hướng tới những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. Đây là điều mà các đơn vị làm du lịch đang hướng tới.

Vào cuộc từ ý thức cộng đồng

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội) là điểm đến thu hút đông du khách. Để trở thành điểm đến bền vững, địa phương luôn quan tâm đến vấn đề môi trường để phát triển bền vững. Để đạt được vấn đề này cần sự đồng hành của đơn vị làm du lịch và du khách. Mới đây, trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, xã Đường Lâm, Công ty du lịch Tiên Phong phát động “Chiến dịch xanh” cùng thu gom, xử lý rác đúng cách.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp lữ hành, sinh viên du lịch và người dân tham gia thu nhặt rác tại làng cổ Đường Lâm.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm chia sẻ: Đối với hoạt động du lịch, xã yêu cầu các hộ dân có hướng dẫn, cam kết bảo vệ môi trường, Với những hộ chăn nuôi gây ô nhiễm, xã có quy hoạch riêng xa khu du lịch. Những hộ kinh doanh có nhiều rác thải ra môi trường phải thu gom đúng nơi quy định, đúng giờ, chủ yếu thu gom vào ban đêm để không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

“Xác định bảo vệ môi trường cũng chính là phát triển du lịch bền vững, sắp tới Đảng uỷ xã sẽ ra nghị quyết về bảo vệ môi trường, trong đó giao cho Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền đến hội viên của mình làm thế nào để cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, nhất là rác thải nhựa. Bên cạnh đó, xã cũng mong có sự hưởng ứng, chấp hành từ du khách và đơn vị làm du lịch”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

Đồng hành với chương trình “Chiến dịch xanh”, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc công ty Tiên Phong Travel đánh giá: “Hiện nhiều điểm du lịch, tuy cảnh vật còn giữ nguyên vẻ hoang sơ nhưng đã lan tràn chất thải nhựa. Vì vậy, đồng hành cùng chương trình để xây dựng điểm đến bền vững, phía doanh nghiệp mong muốn tuyên truyền tới khách ngay khi tham gia tour và truyền thông rộng rãi”.

Chương trình “Chiến dịch xanh” tại xã Đường Lâm là một phần trong kế hoạch hưởng ứng hướng dẫn của Sở Du lịch Hà Nội về việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Nói không với nilon, đồ nhựa dùng một lần

Việt Nam đứng thứ 4 về lượng rác thải nhựa ra đại dương khiến các sản phẩm du lịch dần kém hấp dẫn trong mắt du khách. Nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam chia sẻ: Nhiều người Việt có thói quen sử dụng túi nilon. Một số điểm du lịch tại Việt Nam rất nhiều rác, ví dụ như ở Hạ Long, Cát Bà. Mỗi khi muốn vứt cái gì, bạn chỉ cần thả tay ra và mặc kệ cho rác rơi xuống đường.

Cuối năm 2018, đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc từng công bố thông tin mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam chỉ ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp dịch vụ, du lịch vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch.

"Hơn 3.000 km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến. Do đó, bên cạnh phát động các chương trình không dùng rác thải nhựa thì quan trọng là Bộ ngành và địa phương phải có quy định cụ thể về không dùng rác thải nhựa và có quy chế xử phạt, từ đó, các đơn vị du lịch, dịch vụ và du khách phải tuân thủ quy định", ông Thắng nói.

Theo thống kê, năm 2018, ngành du lịch Việt Nam phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và 15 triệu khách nước ngoài. Với khách đi tour, các đơn vị lữ hành thông thường sẽ phát từ 1 đến 2 chai nước mỗi ngày. Như vậy, hàng trăm triệu chai nhựa cần phải xử lý. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thải ra môi trường nhiều rác nhựa như ống hút, túi nilon với số lượng lớn. “Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Trên cơ sở đó, các Sở Du lịch các tỉnh thành như Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế … đã có hướng dẫn các các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiêm túc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch… ngoài việc sử dụng chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng bao bì hữu cơ, bao bì phân hủy, bao bì sử dụng nhiều lần phải chú trọng ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững; phải quan tâm việc áp dụng các tiêu chí chứng nhận nhãn du lịch bền vững, tiêu chí khách sạn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng... tại cơ sở của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp du lịch Hà Nội bên cạnh tuyên truyền cũng đã thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn cũng chuyển sang dùng cốc, chai thuỷ tinh để dùng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre...

 

Bài và ảnh: Xuân Minh – Tạ Nguyên