09:00 05/09/2013

Hạn chế di dịch cư tự do - Bài 2: Giảm nghèo bền vững

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc giảm nghèo một cách bền vững ở khu vực đồng bào Mông vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc giảm nghèo một cách bền vững ở khu vực đồng bào Mông vẫn còn nhiều khó khăn.


Trồng cây giá trị kinh tế cao


Vượt đỉnh Sam Sít (thuộc dãy Hoàng Liên Sơn) cao khoảng 1.600 m, chúng tôi lên bản vùng cao Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Đây là bản 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cùng với ông Tráng A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, chúng tôi men theo những triền núi dốc để thăm những nương táo sơn tra, một loại cây trồng đang giúp đồng bào dân tộc Mông nơi đây có thu nhập ổn định, nếu không nói là khá cao.


 

Vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nhiều ngôi nhà tạm bợ, cuộc sống rất khó khăn cần được hỗ trợ.

 

Theo ông Tráng A Sử, điều kiện tự nhiên ở Nậm Nghiệp phù hợp với cây táo sơn tra, nên từ nhiều năm nay, bà con đã từng bước mở rộng diện tích trồng. Tính đến nay, cả bản đã có hơn 600 ha trồng táo sơn tra. Năm 2012, Nậm Nghiệp thu hơn 2 tỷ đồng từ táo, bình quân mỗi hộ gia đình thu nhập xấp xỉ 30-40 triệu đồng/vụ.


Cũng theo ông Sử, cây táo sơn tra và nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, đang từng ngày vượt đèo cao, núi sâu để vào các bản gần, bản xa vùng đồng bào dân tộc Mông, từng bước đẩy lùi đói nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân bản địa. Quan trọng hơn, các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả đã tác động vào ý thức của đại bộ phận người dân, góp phần quan trọng hạn chế tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm rẫy.


Ông Sử trầm ngâm: “Do giao thông cách trở, nên thu nhập từ táo sơn tra ở Nậm Nghiệp còn tương đối thấp. Ở một số bản có điều kiện thuận lợi hơn, thu nhập từ mô hình kinh tế này còn cao gấp đôi”.


Nơi mà ông Phó Chủ tịch xã Ngọc Chiến nhắc tới cách bản Nậm Nghiệp khoảng 1 ngày đi đường rừng, đó là bản Nặm Lộng (xã Hang Chú, huyện Bắc Yên). Ở đây có gia đình ông Giàng Páo Của cũng trồng táo sơn tra, mỗi năm cho thu nhập từ 80 -100 triệu đồng. Ngoài mô hình trên, ở vùng cao Sơn La còn rất nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu khác, như mô hình chuyển đổi từ cây lúa nương sang trồng cà phê của bà con ở bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang (huyện Quỳnh Nhai) cho thu nhập 80-100 triệu đồng/năm; mô hình trồng chè của ông Lầu A Sa, dân tộc Mông, ở tiểu khu Pa Khen I, thị trấn nông trường Mộc Châu, cũng cho thu nhập 80 triệu đồng/năm…


Vùng cao còn khó


Kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mông là rất đáng ghi nhận. Việc những hộ đồng bào Mông có thu nhập cả trăm triệu đồng ở những nơi thiếu thốn trăm bề quả là kỳ tích. Nhưng đó chỉ là số ít, còn đại đa số đồng bào dân tộc Mông vẫn còn hết sức khó khăn.


Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc Mông chỉ đạt khoảng 30% so với bình quân chung của cả nước. Trong khi đó, kết quả rà soát hộ nghèo năm 2011 cho thấy, tại 36 huyện nghèo có đông đồng bào Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo đều hơn 50%. Thậm chí, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%; một số thôn, bản còn trên 95%.


Thực hiện công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc Mông, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình như: Chương trình 135 giai đoạn II, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất... đã thực sự tạo nền tảng quan trọng để đồng bào dân tộc Mông từng bước xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã phát sinh những điểm không phù hợp thực tiễn, cần sớm được tháo gỡ.


Ông Thào Sềnh Páo, Trưởng ban Dân vận tỉnh Sơn La từng khẳng định, nguồn vốn chính sách đầu tư cho vùng dân tộc miền núi nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng, là rất lớn. Nhưng lâu nay, do phân cấp, phân kỳ, lại có quá nhiều đầu mối quản lý, nên nguồn lực đó đã bị xé lẻ, dẫn tới hiệu quả đầu tư không cao, mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững khó đạt. Đây là những nguyên nhân làm cho vùng cao Sơn La vốn đã khó còn khó hơn.


Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, việc bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS là rất cần thiết. Nhưng thiết nghĩ, đi kèm với các cơ chế, chính sách thì cần có công tác quản lý phù hợp, cách làm nhanh, hiệu quả. Đã đến lúc các cơ quan tham mưu xây dựng chính sách từ trung ương đến địa phương cần nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý mới theo hướng gọn, giảm bớt trung gian, hạn chế dàn trải, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Có như vậy, công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS mới có thực sự có chuyển biến.


Bài và ảnh: Nguyễn Đức - Minh Phúc



Bài 3: Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù