03:10 30/03/2011

Hạn chế cho vay ngoại tệ, lãi suất huy động USD sẽ hạ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư về việc hạn chế các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ, nhiều ngân hàng thương mại thông báo sẽ cân nhắc khả năng giảm lãi suất huy động ngoại tệ trong thời gian tới, nhưng mức giảm sẽ không nhiều vì chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang ở mức cao.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư về việc hạn chế các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ, nhiều ngân hàng thương mại thông báo sẽ cân nhắc khả năng giảm lãi suất huy động ngoại tệ trong thời gian tới, nhưng mức giảm sẽ không nhiều vì chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang ở mức cao.

Lãi suất vẫn cao

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ - CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT - NHNN ngày 24/3/2011 nhằm mục đích kiểm soát tín dụng, hạn chế các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ.

Khách hàng giao dịch mua bán ngoại tệ tại Hội sở Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Chính sách đã được ban ra nhưng chưa có nhiều ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động USD. Hiện lãi suất tiết kiệm ngoại tệ cao nhất trên thị trường đang ở mức cao hơn 6,1%/năm và thấp nhất khoảng 4,5%/năm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết vừa giảm lãi suất huy động ngoại tệ 0,2 - 0,5% cho từng kỳ hạn. Cụ thể, BIDV huy động ngoại tệ với lãi suất 4,5%/năm cho kỳ hạn 3 - 6 tháng; 4,7%/năm cho kỳ hạn từ 9 - 36 tháng.

Trước đó, Ngân hàng Seabank cũng giảm 0,1% lãi suất huy động USD so với biểu lãi suất trước đây 6,2%/năm áp dụng cho sản phẩm tiết kiệm 24 tháng và 36 tháng lãi suất linh hoạt. Tuy nhiên, các mức lãi suất huy động khác của Seabank vẫn đứng ở mức trên 5%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 5,1%; kỳ hạn 3 tháng là 5,9% và 12 tháng là 6%/năm. Các ngân hàng thương mại khác cho biết, đang cân nhắc khả năng giảm lãi suất huy động ngoại tệ.

Theo các ngân hàng, sau khi thị trường chợ đen đóng cửa, thị trường ngoại tệ cũng không có nhiều biến động. Thêm vào đó, việc NHNN thắt chặt cho vay ngoại tệ sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngoại tệ ở các ngân hàng. Nguồn cung không thay đổi trong khi nhu cầu giảm đi thì lãi suất huy động ngoại tệ sẽ giảm.

Bà Võ Thị Sánh, Giám đốc ban nguồn vốn của BIDV khẳng định, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ. Vì một số DN sẽ bị hạn chế vay ngoại tệ, trong khi đó nguồn cung ngoại tệ tại các ngân hàng dồi dào, do người dân muốn gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ để “né” lạm phát. Khi nguồn cung dồi dào mà cầu bị hạn chế thì buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động USD.

Chưa thể giảm sâu

Mặc dù các ngân hàng đều cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng hạ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào công tác chống lạm phát của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT - NHNN ngày 24/3/2011 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ phải đảm bảo có nguồn ngoại tệ đối ứng để trả nợ khi đáo hạn. Trường hợp khách hàng vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này để sử dụng trong nước, thì khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay. Cho vay các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ khác phải được chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế, trong thời gian qua, một số ngân hàng thiếu vốn VND, do vậy họ cần ngoại tệ để vay vốn VND trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, vì lãi VND cao nên nhiều DN muốn vay USD sau đó hoán đổi sang VND. Do vậy, lãi suất huy động USD sẽ hạ nhưng sẽ không giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Nếu lạm phát giảm thì sẽ không gây áp lực lên thị trường ngoại hối, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất. Tuy nhiên, đến nay chương trình cắt giảm chi tiêu vẫn chưa được công bố cụ thể, do vậy mặt bằng lãi suất có lẽ vẫn còn ở mức này.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, với thị trường ngoại hối, vấn đề mấu chốt là lòng tin của người dân vào VND. Chính phủ đang kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11 để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Khi niềm tin vào VND tăng lên thì người dân sẽ bán USD cho ngân hàng. Từ đó các NHTM sẽ có được nguồn ngoại tệ dồi dào hơn và lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ sẽ giảm.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng cho rằng, cần có trần lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng USD, từ đó giảm dần tình trạng găm giữ USD lâu dài. Hiện nay, lượng ngoại tệ gửi trong ngân hàng lên tới 22,5 tỷ USD. Nền kinh tế không thiếu ngoại tệ.

Bà Võ Thị Sánh, Giám đốc ban nguồn vốn của BIDV cũng khẳng định, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đang dư ngoại tệ. Do vậy, lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ sẽ giảm.

Hữu Vinh