05:15 21/05/2012

Hamas và Fatah nhất trí về lịch trình chia sẻ quyền lực

Ngày 20/5, tại Cairô, thủ đô Ai Cập, Hamas và Fatah, hai phong trào đối địch của Palextin đã ký thỏa thuận cho phép Tổng thống nước này Mahmoud Abbas thành lập chính phủ lâm thời và thống nhất về thời gian biểu thực thi thỏa thuận chia sẻ quyền lực, ký hồi tháng 2 ở Doha và do Cata làm trung gian.

Ngày 20/5, tại Cairô, thủ đô Ai Cập, Hamas và Fatah, hai phong trào đối địch của Palextin đã ký thỏa thuận cho phép Tổng thống nước này Mahmoud Abbas thành lập chính phủ lâm thời và thống nhất về thời gian biểu thực thi thỏa thuận chia sẻ quyền lực, ký hồi tháng 2 ở Doha và do Cata làm trung gian.

Ông Azzam Al-Ahmad, một quan chức của Đảng Fatah cho biết thỏa thuận cũng cho phép Ủy ban bầu cử trung ương (CEC) hoạt động ở khu vực Dải Gaza do Hamas kiểm soát từ trước cuối tháng 5 này. Theo ông Ahmad, thỏa thuận mới là một phần trong nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào.

Theo thỏa thuận, Ủy ban bầu cử sẽ bắt đầu cập nhật hồ sơ cử tri tại Dải Gaza từ ngày 27/5. Trong vòng 10 ngày, hai nhà lãnh đạo của Fatah và Hamas sẽ thành lập chính phủ lâm thời nắm quyền không quá 6 tháng, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và chính quyền địa phương.


Thủ lĩnh Fatah, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas. Ảnh: THX/TTXVN



Trước đó, trong tháng 4/2011, hai phong trào trên đã đạt được thỏa thuận về hòa giải, theo đó hai bên sẽ thành lập một nội các lâm thời để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong tháng 5/2012. Nhưng phần lớn các điều khoản của thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện, thời hạn liên tục bị trì hoãn, và hai bên vẫn còn bất đồng về một số vấn đề, đặc biệt là vị trí thủ tướng. Tuy vậy, trong cuộc đàm phán ở Doha hồi tháng 2 vừa rồi, Tổng thống Abbas và nhà lãnh đạo Phong trào Hamas, ông Khaled Meshaal đã nhất trí để ông Abbas đứng đầu chính phủ lâm thời gồm các nhà kỹ trị và các nhân vật độc lập.

Ngày 16/5, chính quyền mới gồm 25 thành viên, dưới sự điều hành của Thủ tướng Salam Fayyad, đã tuyên thệ nhậm chức tại thị trấn Ramallah ở Bờ Tây. Nhưng ngay sau đó, Phong trào Hamas đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng động thái này chứng tỏ chính quyền của Tổng thống Abbas và phong trào Fatah do ông đứng đầu đã quyết định từ bỏ tiến trình hòa giải hai bên thỏa thuận từ tháng 4/2011.

TTXVN/Tin tức