09:12 29/09/2014

Hamas chấp nhận triển khai binh sĩ Palestine tại biên giới Gaza

2 hai phong trào vũ trang Palestine là Hamas và Fatah đã đạt được thỏa thuận cho phép triển khai các lực lượng an ninh của chính quyền Palestine (PA) dọc theo các khu vực biên giới của Dải Gaza.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, truyền thông khu vực ngày 28/9 cho biết hai phong trào vũ trang Palestine là Hamas và Fatah đã đạt được thỏa thuận cho phép triển khai các lực lượng an ninh của chính quyền Palestine (PA) dọc theo các khu vực biên giới của Dải Gaza.

Trưởng đoàn đàm phán Phong trào Fatah Azzam al-Ahmad (trái) và Phó lãnh đạo phong trào Hamas Musa Abu Marzouk trong cuộc đàm phán tại Cairo ngày 24/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Việc Hamas chấp nhận thỏa thuận nói trên là một phần trong lộ trình hòa giải giữa hai phe phái đối địch ở Palestine, đánh dấu việc 3.000 binh sĩ của chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ quay trở lại Gaza sau hơn 7 năm khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của Hamas kể từ cuộc xung đột năm 2007.

Trên lý thuyết, chính quyền Palestine sẽ triển khai binh lính tại các khu vực biên giới Gaza cũng như tại các cửa khẩu với Israel, song thực tế hai phe phái Palestine mới chỉ nhất trí về mặt nguyên tắc. Việc triển khai thực hiện cụ thể vẫn chưa được bàn đến, trong đó bao gồm cả việc đạt được thỏa thuận với Israel để cho phép di chuyển binh sỹ Palestine từ Bờ Tây sang Gaza.

Theo đề xuất của PA được đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, lực lượng an ninh Palestine sẽ không chỉ được triển khai ở cửa khẩu Rafah với Ai Cập, một trong những điều kiện mà Cairo đặt ra, mà còn dọc theo tuyến biên giới dài 14km giữa Gaza và Ai Cập, thường được gọi là "hành lang Philadelphi". Hôm 25/9, Hamas và Fatah tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận toàn diện nhằm khôi phục chính phủ đoàn kết dân tộc sau hai ngày đàm phán ở Cairo.

Mặc dù, một số vấn đề bất đồng giữa hai phái vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc trả lương cho các nhân viên Hamas ở Gaza, hay những lo ngại về khả năng nổ ra xung đột giữa hai bên trong tương lai, song thỏa thuận này được đánh giá là tạo điều kiện để Palestine tìm được tiếng nói chung cho tiến trình đàm phán chấm dứt cuộc xung đột tại Gaza với Israel, cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai.


TTXVN/Tin tức