05:09 13/05/2018

Hạm đội tàu ngầm tấn công cảm tử của Nhật Bản

Trong những tháng cuối cùng của cuộc Đại chiến thế giới thứ hai, khi quân đội phát xít Nhật rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, họ đã sử dụng tới một loại vũ khí mới. Có vẻ như vũ khí này bắt nguồn từ truyền thống “tự sát trong danh dự” của người Nhật, nhưng nó mang một mục đích khác.

Tàu USS Mississinewa bị đánh chìm sau một vụ tấn công của tàu Kaiten.

Đó là thời điểm ra đời hạm đội Kaiten (tiếng Nhật có nghĩa là “Trở về thiên đường”) - hạm đội tàu ngầm hoặc ngư lôi có người lái chuyên tấn công liều chết của quân đội phát xít Nhật. Loại vũ khí này trước đó từng được quân đội Nhật cân nhắc sử dụng, nhưng bị bác bỏ. Nó chỉ được dùng đến khi cuộc chiến trở nên bất lợi, từ năm 1944.

Được thành lập bởi lực lượng Các đơn vị tấn công đặc biệt Nhật Bản (JSAU), hạm đội Kaiten sử dụng cách thức tấn công liều chết giống như phi đội máy bay Kamikaze hay phi đội tàu nổi tự sát Shinyo. Nếu như Kamikaze được coi là vũ khí tấn công liều chết thành công nhất của Nhật Bản, thì tàu ngầm Kaiten xếp hàng thứ hai.

Những phiên bản đầu tiên của Kaiten khá đơn giản. Một động cơ ngư lôi với một khoang hình trụ dành cho thủy thủ điều khiển. Quá trình phát triển Kaiten cũng diễn ra với nhiều rủi ro, từng khiến hai nhà thiết kế Nhật Bản tử nạn.

Một trong những mẫu Kaiten đầu tiên được thử nghiệm.

Có 6 mẫu tàu Kaiten khác nhau được chế tạo, trong đó những mẫu đầu tiên được thiết kế cho phép “thuyền trưởng” thoát thân. Tuy nhiên, các thủy thủ từng sử dụng những mẫu này trên thực tế chưa bao giờ thoát chết, do đó cuối cùng, tính năng này được loại bỏ khỏi các bản thiết kế. Những mẫu thiết kế sau này khiến việc thủy thủ thoát ra khỏi tàu Kaiten là không thể, họ bị nhốt chặt bên trong. Ngoài ra tàu còn trang bị tính năng tự hủy để thủy thủ sử dụng phòng trường hợp vụ tấn công thất bại.

Các thủy thủ được huấn luyện cách thức sử dụng tàu Kaiten và ngư lôi tự sát trong những vịnh nước nông trên đảo Otsushima. Tất cả đều còn trẻ, trong độ tuổi từ 17-28. Một phi công từng tiết lộ anh ta được huấn luyện bên trong một tàu Kaiten, với đầu đạn giả và các thiết bị khẩn cấp cho phép Kaiten nổi lên mặt nước nếu phi công đang huấn luyện lỡ làm gì đó gây nguy hiểm.

Sau khi được huấn luyện với Kaiten, các thủy thủ bắt đầu học lái ngư lôi, cách vượt qua các chướng ngại vật. Họ được diễn tập thử nghiệm với các vật thể nổi, giả định là tàu địch. Ngay cả quá trình diễn tập này cũng rất nguy hiểm, có tới hơn chục thủy thủ học viên đã tử nạn. Sau cuộc thử nghiệm cuối cùng, các thủy thủ để lại lời cuối cho người thân, rồi lên đường thực hiện sứ mạng.

Tàu nổi tự sát Shinyo.

Các Kaiten được phóng từ một tàu mặt nước hoặc tàu ngầm. Khi tiếp cận gần tàu địch, thủy thủ trong Kaiten báo cáo vắn tắt về chỉ huy lần cuối trước khi khóa khoang “cảm tử”. Các thiết bị đã được lập trình để đưa anh ta tới mục tiêu trước khi tất cả nổ tung.

Tàu Kaiten được bắn đi trong nước đúng hướng. Khi gần đến mục tiêu, nó sẽ nổi lên nhằm đảm bảo nhằm đúng vị trí cần nổ. Sau đó, Kaiten lại lặn xuống độ sâu vừa đủ. Nếu lần tấn công đầu tiên thất bại, phi công có thể tiến hành lần thứ hai. Nếu cả hai lần đều thất bại, anh ta sẽ sử dụng chế độ tự hủy để triển khai đầu đạn và tự nổ chính mình cùng vũ khí.

Về lý thuyết, các Kaiten sẽ có cơ hội thành công lớn hơn so với ngư lôi có người lái, tuy nhiên chúng lại không hiệu quả lắm. Các Kaiten chỉ đánh chìm được một số tàu địch, trong đó có tàu USS Mississinewa và USS Underhill, khiến khoảng 200 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
 

Tàu ngầm I-58 sau khi được chuyển thành Kaiten, chở đầy ngư lôi tấn công liều chết.

Tàu USS Underhill bị đánh chìm trong sứ mạng thành công nhất của hạm đội Kaiten, vào tháng 7/1945. USS Underhill là một tàu khu trục hộ tống các tàu hậu cần và chở quân. Quân Nhật đã rải một bãi mìn buộc Underhill phải đổi hướng đi và “lạc” vào đúng nơi các tàu Kaiten phục kích. Nhiều thủy thủ Kaiten đã kích nổ vũ khí của chính mình, xé đôi tàu Underhill.

Được cổ vũ bởi chiến thắng này, thêm nhiều tàu Kaiten đã được phóng đi trong những ngày sau đó nhưng đều không thành công. Tháng sau đó, các tàu Kaiten đã phá hủy được tàu USS Earl V. Johnson, khiến con tàu Mỹ buộc phải rời khu vực để về sửa chữa.

Sứ mạng cuối cùng của tàu Kaiten được dự định diễn ra vào tháng 8/1945, nhằm tấn công một nhóm tàu của Nga, nhưng sứ mạng này đã bị hủy vào phút cuối.

Thu Hằng/Báo Tin tức