08:02 10/08/2018

Hai vụ đánh bom tại châu Phi 'châm ngòi' cho thời kỳ khủng bố hiện đại

Cách đây 20 năm, vào ngày 7/8/1998, hai vụ đánh bom liều chết xảy ra ngay ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kenya và Tanzania với kẻ chủ mưu được xác định là Osama bin Laden. Sự việc này được coi là bước tiền đề của một thời kỳ khủng bố mới với dấu mốc là vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ di dời thi thể một người phụ nữ tại hiện trường vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi, Kenya. Ảnh: Reuters

Những kẻ khủng bố liều chết đã điều khiển xe chở theo hàng tấn thuốc nổ TNT đỗ ngay trước cửa tòa Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô của Kenya và Tanzania. Sức công phá khủng khiếp từ thuốc nổ đã khiến tòa Đại sứ quán Mỹ sụp đổ. Tổng cộng 224 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương trong hai vụ đánh bom. Trong số những người thiệt mạng có 12 công dân Mỹ.

Vài tiếng sau vụ nổ tại Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, đài NBC đã đưa ra nhận định rằng Osama bin Laden là một trong những nghi phạm hàng đầu bởi hắn có mối thâm thù với Mỹ, có nguồn lực tài chính mạnh và khả năng để điều hành những vụ tấn công ở thủ đô hai quốc gia châu Phi này.

Ngày 7/8/1998 cũng là dịp kỷ niệm 8 năm Mỹ đưa quân đến Saudi Arabia. Sau vụ đánh bom tại Kenya và Tanzania, từ Washington, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để “thủ phạm phải chịu sự trừng trị của pháp luật, bất kể quá trình này sẽ kéo dài bao lâu”.

Ngày 12/8/1998, Tổng thống Clinton mở một cuộc họp tại Nhà Trắng để xem xét các giải pháp phù hợp. Ngày hôm sau, Tổng thống Clinton đến căn cứ Không quân Andrews dự lễ tiếp nhận thi thể các nhân viên đại sứ quán Mỹ thiệt mạng trong hai vụ đánh bom.

Chú thích ảnh
Tổng thống Bill Clinton phát biểu tại căn cứ Không quân Andrews ngày 13/8/1998. Ảnh: AP

Đến ngày 20/8/1998, để trả thù cho vụ khủng bố tại Kenya và Tanzania, Mỹ ra lệnh phóng 60 tên lửa Tomahawk nhằm vào vị trí nghi là trại huấn luyện của Al-Qaeda ở Afghanistan và 20 quả tên lửa khác nhằm vào nhà máy tại Sudan được cho là nơi sản xuất chất độc thần kinh và có liên quan tới bin Laden. Tổng thống Bill Clinton khi thông báo về 2 cuộc tấn công đã nhấn mạnh “sẽ không có nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố”.

Tuy nhiên, trên thực tế bin Laden không có mặt ở địa điểm tại Afghanistan mà Mỹ đã tấn công. Người đại diện cho trùm khủng bố này sau đó khẳng định: “Cuộc chiến chưa bắt đầu. Chúng tôi sẽ trả lời bằng hành động thay vì lời nói”.

Chỉ trong vòng 6 tháng sau vụ khủng bố Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kenya và Tanzania, Osama bin Laden đã ra lệnh cho tên Khalid Sheikh Mohammed khởi động kế hoạch tấn công New York và Washington. 3 năm sau, vụ khủng bố 11/9 diễn ra.

Chú thích ảnh
Nhà điều tra của FBI tại hiện trường vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Dar es Salaam, Tanzania. Ảnh: AP

Ngày 12/10/2000, Al-Qaeda tấn công tàu khu trục USS Cole của hải quân Mỹ đang tiếp nhiên liệu tại cảng Aden, Yemen. 17 thành viên Hải quân Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công này. Đây được coi là động thái nhằm “dằn mặt” Mỹ của trùm khủng bố bin Laden bởi chưa đầy 1 năm sau đó, vào ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay đã lao thẳng vào tòa tháp đôi tại New York (Mỹ), khởi đầu cho một thời kỳ mới của khủng bố toàn cầu.

Cũng trong năm 2001, tòa án Mỹ kết án tù chung thân với 4 kẻ nhúng tay vào vụ đánh bom tại Kenya và Tanzania bao gồm Mohamed Rashed Daoud al-‘Owhali, Khalfan Khamis Mohamed, Wadih El-Hage và Mohammed Saddiq Odeh.

Hà Linh/Báo Tin tức