05:15 21/05/2012

Hai vầng trăng khuyết

Vườn Lan Gấm khe khẽ đung đưa trong gió. Nồi cháo dưới bếp trào xuống than lửa kêu xèo xèo. Vầng trăng khuyết muộn màng bàng bạc soi hai nửa cuộc đời hòa lẫn vào nhau. Bất chợt hai cặp mắt nhìn nhau như tìm thấy hai nửa cuộc đời...

Đêm Sapa tĩnh lặng. Sương dày đặc như níu giữ chân người. Sương phả vào mặt lạnh buốt. Lê từng bước chân trĩu nặng, chị đăm chiêu nhìn về phía trước. Đã 10 ngày trôi qua, chị lang thang hết bản làng này đến cánh rừng nọ, nhưng cây Lan Gấm vẫn nằm trong tiềm thức.

 

Đêm nay thứ bảy, chợ tình Sapa nhộn nhịp. Những chàng trai, cô gái Mông ăn mặc đẹp đến chợ tìm bạn tình. Đám con trai thổi khèn lá, quay tròn người điệu nghệ như mời gọi. Đám con gái đứng cười khúc khích. Tách khỏi đám đông, chị bước về hướng bản No Chảy với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Dừng lại khá lâu trên lưng chừng núi, trước mắt chị là những ngôi nhà sàn người Mông nằm thưa thớt ẩn mình sau những vách đá. Những cây Pơ mu sừng sững giữa sườn đồi như đang chống chọi với cái giá lạnh mùa đông còn sót lại. Những tán lá úa vàng bám trên thân cây sần sùi tróc vỏ. Bản No Chảy đây sao? Sao giống bản Pù kẹt ở Campuchia đến vậy. Bước thấp bước cao, chị đi giữa màn sương giăng giăng lành lạnh, mà cứ ngỡ mình đang đi giữa mịt mù khói súng trên chiến trường Campuchia cách đây 20 năm về trước. Cũng vầng trăng khuyết, cũng rừng núi trập trùng, cũng những ngọn đồi mênh mông. Bao ký ức trong tiềm thức ùa về.

 

Minh họa: Trần Thắng.

 

18 tuổi, chị theo gia đình vào Kiên Giang xây dựng vùng kinh tế mới. Khi chiến dịch biên giới Tây Nam nổ ra, chị vào thanh niên xung phong và sang Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu. Cùng đi với chị đợt ấy, có 19 người con gái nữa. Sau khóa đào tạo cấp tốc, chị trở thành y tá và được điều về đơn vị H5 công tác. Công việc của chị là cấp cứu vận chuyển thương binh, phân tuyến và đưa về tuyến sau điều trị.

 

Lần ấy, trên đường đi công tác về cách bản Pù kẹt 500 mét, chị bị địch vây bắt. Chúng đem nhốt chị vào hang sâu và ép phải làm nô dịch cho chúng. Trong trận chiến đấu giải phóng bản Pù kẹt, chị được quân tình nguyện Việt Nam giải cứu. Hai bên chiến đấu ác liệt, chị chỉ nghe tiếng nổ chát chúa rồi bị hất tung ra xa, ngất đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, chị không biết mình đang ở đâu nữa. Xung quanh là đất đá, mùi khói súng nồng nặc lẫn múi tanh tanh của máu người. Chị kêu lớn.

 

- Có ai không, cứu tôi với.

 

Tĩnh lặng. Không ai trả lời, chỉ có tiếng vọng lại rùng rợn thăm thẳm từ vách đá. Lần theo ánh sáng như hạt đỗ phía trước, chị bò từng bước một. Bỗng tay chị chạm vào một vật gì rắn chắc, ươn ướt. Đúng rồi chiếc đèn pin. Và hình như một bàn tay người đang nắm nó. Rợn tóc gáy, chị bật đèn. Trời ơi, một anh bộ đội bị thương nằm sõng xoài trên đất. Máu từ ngực trái rỉ ướt áo. Hai tay chới với như muốn nói điều gì nhưng không sao nói được rồi ngất đi. Trong ánh sáng bằng bàn tay, chị nhận ra anh bộ đội tình nguyện Việt Nam, đơn vị anh đóng quân bên kia bản Pù kẹt. Tuy chưa biết tên anh, nhưng đã có lần chị cùng anh băng bó vết thương cho một đồng đội. Cắn đèn pin vào mồm, chị xé toạc vạt áo của mình, gấp vuông vắn ép chặt vào vết thương. Cởi chiếc khăn vằn trên cổ băng bó cho anh. Kê đầu anh lên tảng đá, chị lại hô lần nữa.

 

- Có ai đó không, cứu chúng tôi với.

 

Trả lời chị là tiếng nhại của vách đá khô khan. Không thể để anh ấy nằm đây được, anh ấy sẽ chết vì máu chảy nhiều. Nâng người anh tựa vào vách đá, áp lưng mình vào ngực anh, chị cõng anh dò từng bước, ra đến cửa hang thì trời vừa sáng. Đúng lúc đó những đồng đội của anh tìm tới.

 

- Ôi anh Hùng. Đây là đồng chí Hùng tiểu đội trưởng của chúng tôi. Chị là?

 

- Các đồng chí cùng đơn vị với đồng chí này phải không? Anh ấy bị thương máu ra nhiều. Tôi đã băng bó tạm thời. Có ai có nước không?

 

Một người đưa cho chị bình toong nước. Chị mở nắp bình toong, nhỏ vài giọt nước vào miệng Hùng.

 

- Chúng tôi là bộ đội tình nguyện Việt Nam. Chị là thanh niên xung phong à? Chị ở đơn vị nào, sao lại ở đây?

 

- Vâng, tôi là thanh niên xung phong ở đơn vị H5. Tôi bị địch bắt đã 6 ngày nay. May mà có anh bộ đội này giải cứu không thì...

 

- Chị biết tiểu đội trưởng của tôi à?

 

- Chỉ biết sơ sơ thôi. Chị cười giấu đôi má lúm đồng tiền sau mái tóc bù xù nhiều ngày không chải.

 

Những ngày sau đó, chị lao vào cuộc chiến đấu mới và theo đơn vị đi hết chiến trường này, biên giới kia. Chiến tranh loạn lạc, chị quay lại tìm Hùng để nói lời cảm ơn ân sâu nghĩa nặng, nhưng đơn vị anh đã chuyển đi nơi khác. Chị đau đáu mang trong lòng món nợ ân nhân.

 

Chiến dịch biên giới Tây Nam kết thúc, chị hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về địa phương. Cứ nghĩ đến vết thương đầm đìa máu trên ngực trái của Hùng là chị như sống laị những ngày chiến đấu trên chiến trường nước bạn, chính nó đã nhen nhóm trong chị ước mơ trở thành bác sĩ quân y. Chị xung phong đi bộ đội và thi vào Học Viện Quân y. Sau 5 năm đèn sách, chị ra trường và được điều về Viện Y học Hải Quân công tác.

 

Thời gian lặng lẽ trôi đi, đánh dấu bao đổi thay của mỗi cuộc đời. Chị lấy chồng. Ngày lên xe hoa, hình ảnh Hùng hiện lên trong tâm trí chị. Không biết anh ấy bây giờ ở đâu, vết thương trên ngực trái có lành?

 


- Nẻ ơi nhà mình có người. Nẻ ơi nhà mình có khách.

 

Tiếng con gái chị người Mông làm chị giật mình trở về thực tại. Nhìn đứa trẻ tự nhiên nước mắt chị ứa ra, cổ họng nghẹn lại. Đã 15 năm chị thèm thuồng, chị khát khao có một mụn con, nhưng ông trời không cho chị. Những đêm thanh vắng, một mình một bóng, nghe tiếng trẻ con hàng xóm khóc chị xót xa cho số phận mình, càng đau khổ chị càng thấy cô đơn. Tiếng là có chồng đuề huề, nhưng chị chỉ hạnh phúc ba năm đầu chung sống. Không có con, anh ta ruống rẫy chị và đi theo người đàn bà khác. Hắn nói chị “không biết đẻ”, chị “bị tịt”. Đó là nỗi đau nhất cuộc đời chị. Mất chồng, không con, chị lao vào làm khoa học. Đề tài chị nghiên cứu là chữa bệnh vô sinh. Phần lý thuyết chị đã nghiên cứu xong, nhưng phải tìm ra một loài cây quan trọng này thì công việc mới có thể hoàn thành được. Đó là một loài cây có tên là Lan Gấm, chỉ có thể mọc ở độ cao trên ba nghìn mét, nhiệt độ thấp, khí hậu khắc nghiệt.

 

Đứa con gái chị người Mông dắt chị vào nhà. Sau khi nghe chị nói lặn lội từ xuôi lên đây tìm cây thuốc quí. Đưa cho chị củ khoai nướng còn nóng hổi, chị người Mông nói:

 

- Mày ăn đi cho ấm cái bụng, ở đây thuốc nhiều lắm, nhưng cây thuốc mày đi tìm thì tao không có đâu. Chỉ có trên núi Phanxipăng kia thôi. Trên ấy có người trồng đấy, lên đấy mà tìm.

 

Chị hỏi cặn kẽ đường lên núi và không quên cảm ơn đứa con chị người Mông. Chị tặng cô bé Mông chiếc vòng cẩm thạch màu xanh ngọc bích mua ở Hà Nội trước khi đến vùng đất giá lạnh này. Trong ngôi nhà nhỏ cheo leo lưng chừng núi, ánh lửa bập bùng hừng hực như tiếp thêm sức mạnh cho chị. Chị nghĩ về chuyến đi ngày mai, nhất định chị sẽ tìm thấy cây Lan Gấm, nhất định đề tài khoa học của chị sẽ thành công. Đêm ấy chị ngủ lại với mế con chị người Mông.

 

Từ đoàn an dưỡng C17 Bộ Quốc phòng nhìn vút tầm mắt là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đỉnh núi Phanxi păng cao hơn ba nghìn mét chìm trong sương mù bao phủ. Nghe người dân Sapa kể lại, trên ấy có một người đàn ông trồng cây thuốc quí chữa bệnh vô sinh.

 

Cả ngày hôm sau, chị chuẩn bị cho cuộc hành trình mới. Đồ ăn mang theo chủ yếu là bánh mỳ, đồ khô, bạt che, áo ấm.

 

Tiếng gà rừng te te không xé nổi màn sương dầy đặc. 4 giờ sáng, chị khoác ba lô đi theo đường mòn về hướng núi. Đường trơn, núi dốc, sương lạnh, chị phải lần từng bước. Có lúc phải ngồi xuống đất, duỗi hai chân ra phía trước dò đường. Đôi tay cóng lạnh, đôi chân mỏi rời, đôi môi, đôi mắt và cả khuôn mặt như dầy ra lạnh ngắt. Hơn một ngày một đêm trôi qua, hầu như chị không nghỉ. Chỉ dừng lại đôi lần ăn bánh mỳ và dừng chân đôi chút. Mình phải đến nơi trước khi trời tối. Nghĩ vậy, xốc lại ba lô, chị bước tiếp về phía trước.

 

Người đàn ông trạc tuổi 45 nghe tiếng động xào xạc từ một lùm cây. Ông ta chạy vào nhà lấy nỏ cảnh giác.

 

- Ai đấy! Ai?

 

Trong màn sương dày đặc không thấy mặt người, chị thở hổn hển.

 

- Tôi, tôi đi tìm cây thuốc.

 

Nói chưa dứt câu, chị quỵ luôn xuống lùm cây. Chiếc ba lô đè lên lưng chị. Người đàn ông đeo nỏ vào vai bế sốc chị đưa vào nhà. Ông vội lục tìm trong đáy ba lô hộp cao sao vàng cũ kỹ xoa lên tay chân và trán chị. Trời rét căm căm mà mồ hôi chị túa ra như tắm. Chị thiếp vào giấc mơ. Trong mơ chị thấy một vầng hào quang sáng chói phía chân trời, trước mắt chị là vườn Lan Gấm xanh mơn mởn. Những đứa trẻ con đang nô đùa bên bố mẹ chúng. Chúng cười với chị.

 

Tiếng búa bổ củi của người đàn ông làm cho chị thức giấc. Mình đang ở đâu thế này? Chị toan ngồi dậy nhưng không sao gượng được. Toàn thân đau ê ẩm. Hai chân nặng trĩu như có đá đeo không sao duỗi được. Nghe tiếng cựa giường, người đàn ông chạy vào nhà đứng bên chị nói.

 

- Chị đừng sợ, tôi là chủ nhà này và sống ở đây, trời chưa sáng đâu. Chị nghỉ đi cho lại sức.

 

Chị nhìn người đàn ông khẽ gật đầu. Như một linh tính mách bảo người đàn ông ấy quen quen. Trấn tĩnh nhớ lại. Không lẽ đó là Hùng? Không thể thế được. Chị cố gạt linh tính ấy ra khỏi đầu nhưng không sao gạt nổi. Vết sẹo? Đúng rồi, vết sẹo trên ngực trái. Như có một sức mạnh diệu kỳ, chị mở choàng mắt và ngồi bật dậy.


- Anh ơi!

Từ dưới bếp, tiếng người đàn ông vọng lên.

 

- Chị cứ ngủ đi, tôi đang nấu cháo cho chị, sắp chín rồi.

 

- Không! Anh ơi.

 

Tay cầm cành củi đang cháy dở, người đàn ông từ dưới bếp chạy lên.

 

- Xin lỗi, sáng nào tôi cũng bổ củi nên cởi trần. Chị còn yếu lắm đừng đi vội, ăn cháo sẽ khỏe ngay thôi.

 

Chị nhìn chằm chằm vào ngực người đàn ông, nhìn vết sẹo trên ngực trái rồi nhìn khuôn mặt. Không lẫn vào đâu được. Đúng rồi, chính tay mình đã băng bó vết thương cho anh. Vì mình mà anh bị thương. Chị nhoài người ra khỏi giường, kéo cánh tay người đàn ông, giọng thổn thức.

 

- Anh, anh có phải là Hùng không?

 

Người đàn ông như bị điện giật. Bởi từ lâu lắm rồi, ở nơi cùng cốc không dấu chân người này, anh chỉ biết làm bạn với cây thuốc, với núi rừng, ngay cả cái tên Hùng anh cũng không còn nhớ rõ.

 

- Cô là ai? Sao cô lại biết tôi?

 

- Em là Sương, cô thanh niên xung phong ngày nào được anh cứu thoát khỏi hang ổ của địch trên đất Campuchia, anh không nhớ sao?

 

Người đàn ông cúi đầu như tìm về quá khứ rồi quay lại, đặt hai tay lên vai của Sương đang run lên bần bật.

 

- Sương! Cô bộ đội thanh niên xung phong đây sao? Em vẫn còn sống bằng da bằng thịt đây sao?

 

Anh ôm chầm lấy chị. Nước mắt rưng rưng. Không ngờ, sau bao năm chiến tranh lùi xa còn gặp đồng đội ở nơi đặc biệt này.

 

- Trận chiến đấu ấy sao mà quên được. Cả em nữa. Nhưng đã lâu lắm rồi, anh chẳng gặp ai. Em lên đây làm gì? Sương quay đi giấu hai dòng nước mắt nóng hổi lăn dài trên má

 

- Chuyện dài lắm anh à. Chiến tranh loạn lạc. Sau cuộc chiến đấu diệt địch ở bản Pù kẹt, em đến đơn vị tìm anh, nhưng anh đã chuyển đi nơi khác. Kết thúc chiến dịch em trở về địa phương, rồi em lại xung phong đi bộ đội. Những ngày tháng chiến đấu ở Campuchia được chứng kiến những người đồng đội, nên em đã quyết định đi học bác sĩ quân y . Giọng chị nghèn nghẹn cay cay nơi khóe mắt. Những trận sốt rét rừng triền miên đã cướp đi quyền làm mẹ của em.

 

- Sao! Em nói vậy nghĩa là em mắc bệnh vô sinh? tiếng Hùng thảng thốt.

 

- Vâng, đã 10 năm làm vợ, em không đẻ được. Chồng em đã theo người đàn bà khác. Em lên đỉnh núi Phanxipăng này để tìm cây Lan Gấm- một vị thuốc chính trong bài thuốc chữa bệnh vô sinh. Đã 4 năm rồi, em nghiên cứu đề tài khoa học về nó. Còn anh, cuộc sống ra sao?

 

Không trả lời ngay câu hỏi của Sương, Hùng quay mặt nhìn vườn Lan Gấm. Không ngờ số phận của Sương cũng giống như anh. Tiếng Hùng trầm trầm đau xót.
- Rời quân ngũ anh về địa phương và cưới vợ. 12 năm chung sống, anh chẳng đem lại cho cô ấy niềm hạnh phúc làm mẹ. Vợ chồng đi hết bệnh viện này thầy thuốc nọ chữa bệnh mong sinh được mụn con, nhưng tất cả đều vô ích. Hôm đi lấy kết quả xét nghiệm, anh không tin nổi mắt mình, còn vợ thì quị luôn xuống ghế ở bệnh viện khi đọc dòng chữ “Vô sinh vĩnh viễn”. Thì ra những trận sốt rét đến trọc đầu và bị sa lá lách là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vô sinh. Có thằng chồng nào mà cho vợ đi lấy người đàn ông khác không? Hùng quay lại nói với Sương mà lòng anh dằn vặt. - Anh đau đớn tột cùng khi giải phóng cho cô ấy để cô ấy có tương lai bên người chồng mới. Không phải anh không thương yêu vợ, nhưng nếu không làm như thế anh sẽ trở thành kẻ ích kỷ và hèn nhát.

 

Sương nghe Hùng nói mà như có ai xát muối trong lòng. Không ngờ số phận anh cũng nghiệt ngã như vậy. Đến sau lưng Hùng, hai tay Sương đặt lên vai anh như xoa dịu bớt nỗi đau, như tìm sự đồng cảm của hai con người cùng chung số phận. Giọng Hùng buồn buồn:

 

- Hầu hết cán bộ chiến sĩ trung đoàn bị vô sinh. Ngày ấy một số người chết vì không có thuốc. Số còn lại khi trích máu để xét nghiệm, máu đen như máu đỉa. Đã từ lâu, anh tìm kiếm những đồng đội chiến đấu năm xưa. Kẻ còn người mất. Người may mắn có con, nhưng có người còn khổ hơn mình vì những đứa con của họ sinh ra quái thai, suốt ngày kêu la đau đớn. Hùng vò đầu đau khổ. Anh nhìn ra vườn Lan Gấm như lấy lại tinh thần, rồi quay lại, hai tay nắm chặt bờ vai Sương nói:

 

- Chính vì nỗi đau ấy, mà anh quyết định lên đỉnh núi Phanxipăng này để trồng cây Lan Gấm - một loại cây thuốc đặc biệt chữa bệnh vô sinh. Cây này rất khó trồng, nó chỉ sống ở khí hậu lạnh giá, âm từ hai đến bảy độ. Qua nghiên cứu chế biến thủ công, kết quả rất khả quan. Em yên tâm, nhất định em sẽ có con đàn cháu đống.
Hùng cười vang xóa tan cái không khí ảm đạm. Ngôi nhà như có một luồng không khí mới. Sương cười theo. Hùng bước lại vườn Lan Gấm hái một lá đưa lên miệng nhằn nhằn rồi đưa cho Sương. Sương sung sướng, chị sà xuống, hai tay dang rộng ôm những cây Lan Gấm như ôm những đứa con ruột thịt của mình.

 

Vườn Lan Gấm khe khẽ đung đưa trong gió. Nồi cháo dưới bếp trào xuống than lửa kêu xèo xèo. Vầng trăng khuyết muộn màng bàng bạc soi hai nửa cuộc đời hòa lẫn vào nhau. Bất chợt hai cặp mắt nhìn nhau như tìm thấy hai nửa cuộc đời...

 

Mai Thắng