08:16 11/08/2020

Hai sự kiện sẽ khiến giá vàng thế giới lao dốc, rời mốc cao kỷ lục

Các chuyên gia nhận định giá vàng thế giới có thể lên tới 4.000 USD/ounce sau 3 năm nữa, nhưng có hai yếu tố có thể thay đổi đà tăng của giá vàng.

Chú thích ảnh
Vàng trang sức được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Yangon, Myanmar ngày 9/8. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNBC, năm nay, giá vàng thế giới đã vọt lên các mức cao kỷ lục chưa từng thấy kể từ tháng 9/2011. Các nhà đầu tư đổ xô mua loại tài sản “trú ẩn an toàn” này khi đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu bớt nghiêm trọng.

Tuần trước, giá vàng đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. Ông Frank Holmes, Tổng giám đốc điều hành tại công ty đầu tư Mỹ Global Investors, nhận định: “Việc giá vàng lên mốc 4.000 USD/ounce là chuyện khá dễ dàng”.

Ông Holmes cho biết cần có hàng nghìn tỷ USD trong gói kích thích mới có thể vực dậy nền kinh tế Mỹ trong đại dịch. Ngoài ra, ông Holmes cũng nhắc tới việc các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đang phối hợp và họ đều sẽ in ra hàng nghìn tỷ USD.

Ông nhận định: “Chúng ta chưa từng thấy điều này, khi các ngân hàng trung ương in tiền với lãi suất 0%. Tại lãi suất này, vàng trở thành một tài sản rất hấp dẫn với nhà đầu tư”.

Nới lỏng chính sách tiền tệ thường khiến các nhà đầu tư có xu hướng mua vàng. Khi lợi nhuận thực giảm, giá vàng sẽ đi lên vào ngược lại. Trong kịch bản đó, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng sẽ giảm.

Ông Yung-ju Ma, chiến lược gia trưởng phụ trách đầu tư tại công ty BMO Wealth Management (Mỹ), cho rằng có nhiều nhân tố hỗ trợ giá vàng, nhưng ông chỉ ra hai sự kiện lớn có thể thay đổi đường đi của giá vàng.

Ông nói: “Một là tiến trình phát triển vaccine ngừa COVID-19 và hai là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chúng tôi cho rằng vaccine có khả năng thay đổi một số nhân tố đang tích cực đẩy giá vàng đi lên”.

Tùy vào diễn biến cuộc bầu cử Mỹ, các nhà phân tích cho rằng giá vàng có thể phản ứng tương ứng.

Theo tập đoàn nghiên cứu Third Bridge Group (New York), giá vàng có thể tụt xuống dưới 1.600 USD/ounce sau bầu cử Mỹ và sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.

Tuy nhiên, trong một phân tích tuần trước, công ty cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv nhận định rằng diễn biến chính trị ở Mỹ có thể làm gián đoạn các thị trường tài chính và hỗ trợ giá vàng đi lên.

Ông Camerno Alexander, Giám đốc nghiên cứu kim loại quý thuộc Refinitiv, nói: “Bầu cử Mỹ giờ chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa và Tổng thống Donald Trump gần đây đề cập tới khả năng hoãn bầu cử, dấy lên lo ngại ông sẽ tìm cách can thiệp khi mà tỷ lệ ủng hộ của ông đang thua đối thủ hai con số”.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước ông Trump trong khảo sát dư luận hồi tháng 7.

Chú thích ảnh
Đồ lưu niệm bằng vàng được bày bán tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/8. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong bầu cử tổng thống năm 2016, sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump trước bà Hillary Clinton, các nhà đầu tư đã đổ xô mua vàng, đẩy giá kim loại này lên gần 5%. 

Trong phiên giao dịch ngày 10/8, giá vàng thế giới rời khỏi mức cao kỷ lục xác lập phiên trước đó do đồng USD mạnh lên, áp sát mức “đỉnh” của một tuần. 

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 2.030,26 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.072,50 USD/ounce vào phiên cuối cùng của tuần trước. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn lại tăng 0,6%, lên 2.039,70 USD/ounce.

Ông Michael Matousek, trưởng bộ phận giao dịch tại Global Investors, cho biết giá vàng đi xuống là điều tự nhiên khi các nhà đầu tư đổ xô bán tháo chốt lời và đồng USD có xu hướng tăng trong hai ngày qua.

Đồng USD đang neo ở ngưỡng cao nhất trong một tuần qua trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng vào một gói kích thích mới của Mỹ nhằm giúp nước này chống chọi với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 tới, cũng được kỳ vọng sẽ “xoa dịu” căng thẳng đang leo thang trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá kim loại quý này đã tăng 34% kể từ đầu năm nay, giữa bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới tiếp tục gia tăng khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm, buộc chính phủ các nước phải tung ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.

Thùy Dương/Báo Tin tức