08:18 24/08/2020

Hải Phòng kiên quyết không thu hút đầu tư những dự án công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng vừa ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
May xuất khẩu tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam tại khu công nghiệp VISIP Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế của cả nước, hoạt động đầu tư nước ngoài vào thành phố Hải Phòng có sự phát triển không ngừng cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án. Trong nhiều năm liền, thành phố luôn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài; theo đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, tăng thu ngân sách Nhà nước, có đóng góp quan trọng đối với kinh tế - xã hội của thành phố. Do vậy, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu. 

Đối với công tác lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có đóng góp ngân sách lớn, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị, góp phần đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ thành phố, tăng tỷ lệ nội địa hóa. 

Thành phố kiên quyết không thu hút đầu tư, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên. 

Trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ động chủ trì cùng Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan đề xuất, áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật để sàng lọc nhà đầu tư. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo UBND thành phố xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để có cơ sở pháp lý từ chối các nhà đầu tư không đáp ứng tiêu chí thu hút đầu tư của thành phố. 

Các sở, ngành, đơn vị quản lý chuyên ngành chủ động rà soát các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh. 

Về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, Cục Thuế thành phố chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục kiểm tra, rà soát các ưu đãi đầu tư đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố; đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp quy định ưu đãi đầu tư chưa phù hợp nhằm hạn chế phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế. 

Các sở, ngành thành phố và các đơn vị quản lý chuyên ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài theo đúng thẩm quyền; tham mưu cho UBND thành phố giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội trình bày ý kiến trước khi có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo. 

Trong quá trình giải quyết, cần tham vấn ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao và các cơ quan có liên quan để bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ trì cùng các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu, đề xuất phương án hiệu quả để tập hợp và lưu giữ thông tin về các cam kết và thỏa thuận đầu tư, các vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư và thường xuyên rà soát nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và các cơ quan Nhà nước để xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật. Rà soát, đánh giá đúng yếu tố pháp lý, kể cả các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong đàm phán, ký và thực hiện các thỏa thuận, cam kết với nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận hoặc văn bản cho nhà đầu tư phải bảo đảm nội dung phù hợp với pháp luật Việt Nam và các cam kết đầu tư của Việt Nam; kịp thời xử lý các vướng mắc để hạn chế thấp nhất các tranh chấp phát sinh, báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền...

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)