10:23 15/10/2012

Hai 'nghề lạ' hốt bạc trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Khi lạc vào đây, người đi xe máy rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Thứ nhất đi tiếp thì rõ ràng vi phạm. Còn quay lại thì vừa mắc lỗi đi ngược chiều vừa mắc lỗi đi vào đường cấm. Nắm được “thóp” này, cánh xe ôm nơi đây chỉ việc nằm khểnh “há miệng... chờ xe"!

Từ ngày 1/2/2012, xe máy và xe thô sơ bị cấm lưu thông trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và chuyển sang lưu thông trên quốc lộ 1A cũ, từ đường Giải Phóng - Ngọc Hồi - Thường Tín (Hà Nội) - Phủ Lý (Hà Nam). Sau khi lệnh cấm này có hiệu lực thì gần đây trên hai đầu tuyến đường cao tốc này bỗng “đẻ” ra 2 nghề mới mẻ, dễ hốt bạc...

 

Nghề cứu xe “mắc cạn”


Có mặt tại đầu đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) vào khoảng 16 giờ ngày 9/10/2012, chúng tôi chứng kiến: Mặc dù lệnh cấm xe máy và xe thô sơ lưu thông trên tuyến đường này có hiệu lực gần 1 năm nay, song vẫn có rất nhiều xe máy “lỡ” đi vào đường cấm.

 

Song có rất nhiều xe máy “lạc” vào đường cấm.

 

Khi lạc vào đây, người đi xe máy rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Thứ nhất đi tiếp thì rõ ràng vi phạm, lại không có chỗ quay đầu mà chỉ còn một cách chạy thẳng tuột xuống nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên). Còn quay lại thì vừa mắc lỗi đi ngược chiều vừa mắc lỗi đi vào đường cấm. Nắm được “thóp” này, cánh xe ôm nơi đây chỉ việc nằm khểnh “há miệng”... chờ xe!


Tại khu vực này, xe ôm chia thành nhiều tốp rải rác đoạn đầu cao tốc, họ vừa chở khách kiêm luôn nghề “cứu” xe vi phạm. Khi thấy “con mồi” xuất hiện, một, hai xe ôm sẽ phóng theo và thông báo cho chủ xe biết đang đi vào đường cấm và công an đang chờ phía trước. Sau đó họ “tham mưu” cho nạn nhân muốn thoát hiểm, cách duy nhất là phải khênh xe qua lan can bảo vệ đường để quay lại bằng đường nhánh. Thế rồi để được nhấc bổng xe máy qua lan can, chủ xe phải chi trả cho cánh xe ôm 30.000 - 100.000 đồng (tùy vào sự mặc cả của từng chủ xe).


 

Chỉ chờ có vậy, cánh xe ôm được cơ hành nghề “dắt xe”.

 

Theo quan sát của chúng tôi, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, tại đây có đến 50 xe máy đi lạc vào đường cấm, đa số là các phương tiện mang biển số các tỉnh. Có lẽ do lâu không lưu thông qua đây nên họ không nắm bắt được thông tin về lệnh cấm. Chính nhờ nắm bắt được điểm yếu này, cánh xe ôm tập trung rất đông về khu vực đầu đường Pháp Vân để “kiếm chác”.

 

Nghề “dắt xe”


Ở đầu Cầu Giẽ (thuộc địa phận 3 xã: Phú Yên, Châu Can, Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), đang nổi lên một nghề không kém độ “hot”: Nghề “dắt xe”!


Theo quan sát của chúng tôi, tuy đầu đường dẫn vào cao tốc Pháp Vân có biển cấm các phương tiện xe máy rất lớn và cả biển chỉ dẫn hướng đi cho xe máy và xe thô sơ, song vẫn có rất nhiều người điều khiển xe máy đi lạc vào đường cấm này. Thế là họ biến thành cơ hội “kiếm ăn” cho cánh xe ôm thừa cơ “đục nước béo cò”.


Cắm chốt được chừng 15 phút, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều xe máy mang biển số các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình... đi “lạc” vào đường cấm. Những chiếc xe “lạc” này lần lượt vào “tầm ngắm” của cánh xe ôm chờ sẵn gần đó. Chỉ chờ cho “con mồi” đi sâu vào đường cấm chừng 100 - 200 m, một hai tay xe ôm rồ ga phóng theo. Khi gần bắt kịp, anh ta hô toáng: “Đường cấm, đường cấm đấy, quay lại đi không công an bắt...”.


Nghe thấy vậy, các chủ xe hoảng hốt giảm tốc độ và lập tức quay lại, chờ có vậy thôi tay xe ôm liền “nhiệt tình” hỏi han ân cần xem chủ phương tiện định đi đâu rồi tận tình chỉ bảo, hướng dẫn... Khi dẫn chủ xe đi đến đúng đường (hướng quốc lộ 1A cũ), mấy ông xe ôm thản nhiên “cho xin năm chục tiền chỉ đường đi”... và người đi đường “há miệng thì mắc quai”, đã nhận sự giúp đỡ rồi thì phải móc tiền trả để mong được yên thân tiếp tục lộ trình.


 

Mặc dù có biển cấm xe máy, xe thô sơ...

Ngồi chứng kiến khoảng 1 giờ đồng hồ chúng tôi đếm sơ sơ gần 20 xe máy đi lạc vào đường cấm. Trong một ngày có rất nhiều chuyến “xe lạc” như thế và chỉ qua vài thao tác đơn giản, cánh xe ôm chuyên “dắt xe” dễ dàng lấy tiền của người đi đường. Anh Nguyễn Thành Nam, nhà ở Quảng Xương, Thanh Hóa, nói trong bức xúc: “Lúc đầu họ chạy theo chỉ bảo rất thân tình, tôi ngỡ gặp được người dân tốt giúp đỡ, ai ngờ vỡ ra đây cũng chỉ là một trò... làm tiền...”.


Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ở đây toán xe ôm “dắt xe” không chỉ có vài người, mà chia thành 2 - 3 tốp có “ca kíp” hẳn hoi nhằm tránh xung đột, họ vừa chở khách vừa kiêm nghề “dắt xe”...


Bình quân một lần “dắt xe” chủ xe phải trả 50.000 - 100.000 đồng. Theo một số người dân ở đây, những hôm “ít gà” (ít người đi lạc đường cấm) chuyện người đi đường qua đây bị “chặt chém” đến vài trăm là chuyện thường... Khi “nạn nhân” phản ứng, lập tức những ông xe ôm nổi luôn máu “côn đồ” để thanh toán tiền thù lao. 


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Công an xã Phú Yên cho biết, tình trạng nói trên xuất hiện từ khi có lệnh cấm xe máy đi vào đường cao tốc. Thoạt đầu cánh xe ôm cũng nhắc nhở những người không để ý biển cấm đi vào đường cao tốc mang tính chất giúp đỡ người đi đường. Nhưng sau thấy đây là một cơ hội “làm ăn” tốt nên những người làm nghề xe ôm tại khu vực này kết hợp với nhau để bắt chẹt người đi đường.


Khi “con mồi” đã vào tầm ngắm, họ đuổi theo với thái độ hớt hải, nhắc người vi phạm quay đầu lại kẻo bị cảnh sát giao thông phạt, khi người đi đường quay đầu rồi thì bất ngờ có 2 xe ôm khác chặn ngay đầu xe và xin tiền. Thường thì vài chục nghìn, có người bị họ “xin” đến 200.000 đồng.


Trước tình trạng này, lực lượng công an xã Phú Yên đã tham mưu với Công an huyện Phú Xuyên, thường xuyên phối hợp tuyên truyền đối với những người hành nghề xe ôm, bắt quả tang, xử lý răn đe những đối tượng vi phạm. Gần đây nhất (ngày 20/8), lực lượng công an đã bắt và xử lý hành chính đối với Nguyễn Văn Đài, trú tại xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên về hành vi nêu trên, khi Đài đang “xin” người đi đường 200.000 đồng.


Tuy nhiên, lực lượng công an không thể bố trí người túc trực 24/24 giờ tại khu vực này để xử lý các đối tượng hành nghề xe ôm ăn chặn tiền của người đi đường, bởi lực lượng mỏng, lại không có kinh phí duy trì hoạt động. Do đó, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát các biển báo giao thông để lưu thông được an toàn, tránh tình trạng “đục nước béo cò” như nêu trên.



Bài và ảnh: Trần Quang - Võ Văn - Đức Phương