09:17 03/09/2019

Hai cơn áp thấp nhiệt đới gặp một cơn bão ngoài biển Đông: Hiệu ứng thời tiết hiếm gặp

Trong khi áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cũ đổ bộ vào đất liền nước ta gây mưa lớn, thì một vùng thấp khác đã mạnh lên thành ATNĐtrên Biển Đông, xuất hiện cùng lúc cơn bão ngoài khơi Philipphines. Cả ba cơn bão và ATNĐ này liệu có tương tác với nhau? Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Vị trí và đường đi của hai cơn ATNĐ. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Thưa ông, hiện nay đang có 2 ATNĐ cùng hoạt động, ông có nhận định như thế nào về hiện tượng này?

Về 2 cơn ATNĐ hiện nay, một cơn ở đất liền đã xuất hiện từ lâu, đi từ biển Đông và sáng sớm nay đã đổ bộ vào Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hiện tại, ATNĐ này đang trong quá trình di chuyển từ đất liền ngược lại biển Đông, còn cơn ATNĐ mới hình thành sáng ngày 2/9 ở giữa biển Đông, sáng nay đã suy yếu thành vùng áp thấp và di chuyển lên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Về tương tác giữa hai cơn ATNĐ thì sẽ có sự tương tác nhất định, khả năng trong 24 - 48 giờ tới, 2 cơn ATNĐ này sẽ hòa thành một cơn ATNĐ chung và dịch chuyển theo hướng Đông Bắc. Trong 2 - 3 ngày nữa thì ATNĐ này sẽ hình thành nên cơn bão mới.

Thưa ông, việc xuất hiện đồng thời 2 cơn ATNĐ và có tương tác như vậy có phải dạng thời tiết hiếm và có nguy cơ hình thành hình thái thời tiết mới nguy hiểm không, thưa ông?

Đây không hẳn là 2 cơn ATNĐ, mà là 3 cơn ATNĐ, một cơn bão ở ngoài Tây Bắc Thái Bình Dương ở phía Đông Philippines, một cơn ATNĐ ở trong khu vực giữa biển Đông, một cơn ATNĐ ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Ba cơn ATNĐ này tạo nên một tam giác xoáy thuận nhiệt đới. Với 3 ATNĐ tương tác với nhau, nhưng 1 cơn đã đổ bộ vào Việt Nam và 1 cơn đang suy yếu thì gọi là hiệu ứng Fujiwhara.

Về hiệu ứng tương tác giữa 2 cơn ATNĐ này, thì cơn ATNĐ yếu sẽ bị hút vào cơn ATNĐ mạnh và 2 cơn ATNĐ này sẽ 1 cơn đi lên, 1 cơn đi xuống, trong khoảng thời gian nhất định sẽ hòa vào với nhau tạo thành cơn ATNĐ mới, với cường độ mạnh hơn. Khi cơn ATNĐ mới với cường độ mạnh hơn được hình thành và đi lên phía Đông Bắc, thì sẽ tương tác với cơn bão ở ngoài Philippines, lúc đó hiệu ứng Fujiwhara lại thêm một lần nữa. Tức là trong thời gian tới là 2 lần tương tác hiệu ứng Fujiwhara ATNĐ đôi hoặc ATNĐ với bão. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Minh Châu.

Vậy, cơn bão sắp hình thành này có đặc điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

Cơn ATNĐ đổ bộ vào nước ta tối ngày 2/9 đã gây ra mưa lớn diện rộng ở khu vực Nam Nghệ An vào Thừa Thiên Huế, với tổng lượng mưa từ 7 giờ sáng ngày 2/9 đến 13 giờ ngày 3/9 đã lên đến 150 - 300 mm, ở nhiều nơi gần 500 mm. Nếu vùng ATNĐ đang tồn tại trên đất liền và đi ra ngoài sẽ tác động gây mưa kéo  dài ở Trung Bộ, nên khả năng mưa lớn còn kéo dài ở khu vực Trung Bộ trong thời gian tới.

Mưa lớn như vậy sẽ gây áp lực lên hệ thống sông, suối, ao hồ thủy lợi, thủy điện ở Trung Bô. Chúng tôi cũng cảnh báo lũ ở khu vực Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế có thể lên mức báo động 2, báo động 3, cùng đó nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất ở một loạt các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam...

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin tức