12:19 16/12/2014

Hai anh em người Dao hiến đất làm đường

Hai anh em người dân tộc Dao Tiền vừa hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường vào Di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đến thăm Di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi ghi dấu chiến công thứ hai của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, chúng tôi được gặp hai anh em người dân tộc Dao Tiền là Đặng Văn Chi, Đặng Văn Cát vừa hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường vào Di tích, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hai anh em Đặng Văn Chi (bên trái), Đặng Văn Cát bên Di tích đồn Nà Ngần.  Ảnh: Vương Biên


Đồn Nà Ngần vốn là nhà của tên Phó lý Pảo - một ngôi nhà sàn ba gian kiên cố nhất trong bản Nà Ngần lúc bấy giờ, được quân Pháp chọn làm đồn lính.

Ngay sau chiến thắng đồn Phai Khắt tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, ngày 26/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã tiến đánh đồn Nà Ngần, thuộc xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình); diệt 5 tên địch, bắt sống 17 tên, thu 27 khẩu súng, nhiều đạn dược và 1 thanh kiếm.

Ngày nay, Di tích lịch sử đồn Nà Ngần là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam cho các thế hệ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan di tích đồn Nà Ngần, anh Đặng Văn Chi tâm sự: “Năm 1996, gia đình tôi đã hiến 800 m2 đất phục vụ việc đầu tư, tôn tạo Di tích đồn Nà Ngần. Năm nay, khi biết Đảng, Nhà nước, tỉnh đầu tư làm đường vào Di tích, hai anh em bàn nhau và thống nhất hiến đất để làm đường”.
 
Khi chúng tôi hỏi tổng số đất đã hiến là bao nhiêu, cả hai anh em Đặng Văn Chi, Đặng Văn Cát đều lắc đầu bảo “không biết”, chỉ biết là theo thiết kế con đường nối từ đường liên xã vào di tích đồn Nà Ngần dài 593 m, rộng 5 m; trong đó lòng đường được đổ bê tông rộng 3,5 m.

Mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà đang xây sắp hoàn thành, ở ngay cạnh Di tích đồn Nà Ngần, Đặng Văn Chi bộc bạch “sau này có đường tốt, sẽ có nhiều người đến thăm di tích hơn, dân bản có đường to đi, làm ăn sẽ tốt hơn nhiều, mình và mọi người sẽ vừa làm tốt việc phát triển kinh tế, vừa bảo vệ thật tốt Di tích đồn Nà Ngần”.

Tạm biệt chúng tôi, hai anh em Đặng Văn Chi, Đặng Văn Cát chia sẻ: “Ông nội tôi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, công nhận là Lão thành cách mạng, được tặng Bằng khen có công với nước, nên thế hệ chúng tôi phải sống xứng đáng với thế hệ cha ông, nếu không có sự hy sinh của các thế hệ đi trước thì làm sao chúng ta có được ngày hôm nay.


Mạnh Hà