05:22 27/05/2015

Hà Nội vẫn lo ngập vào mùa mưa

Mùa mưa đang đến và theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố vẫn sẽ có 33 điểm ngập khi mưa lớn. Đặc biệt là khu vực phía tây từ lưu vực sông Tô Lịch đến sông Nhuệ, nơi chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.

Mùa mưa đang đến và theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố vẫn sẽ có 33 điểm ngập khi mưa lớn. Đặc biệt là khu vực phía tây từ lưu vực sông Tô Lịch đến sông Nhuệ, nơi chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.

Vẫn lo úng ngập

Chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên văn phòng ở đầu tuyến đường Phạm Hùng, luôn ám ảnh cảnh nước ngập tới tận yên xe khi đi qua tuyến đường này vào ngày mưa to. “Thậm chí, có hôm mưa to dài ngày, một số người dân còn đem nơm ra bắt cá ở đoạn qua khu vực tòa nhà Keangnam”, chị Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Vớt rác, khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch.


Còn anh Nguyễn Đức Mạnh, nhà tại khu vực Phú Đô (Mỹ Đình) thì cho biết, cứ mưa to là tuyến đường trong khu vực lại ngập, dù hệ thống thoát nước trục đường chính được đầu tư hiện đại. “Nước thải từ khu vực Phú Đô đấu nối ra hệ thống thoát nước chính không khớp nhau, nên không tiêu thoát được nước, khiến một số khu vực thấp bị ngập”, anh Mạnh cho biết.

Trong tình cảnh tương tự, nhà chị Diệu Linh, tổ 9, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cũng luôn trong tình trạng bị ngập mỗi khi mưa to. Khu vực này nằm lọt giữa 2 tuyến đường Lạc Long Quân và tuyến vành đai 2 đang xây dựng. Cốt nền của hệ thống thoát nước cả 2 tuyến đường đều cao hơn cốt nền của nhiều nhà trong khu vực nên cứ mưa to là nhiều nhà trở thành ao. Chị Bích Ngọc, cũng trong khu vực tổ 9, phường Nghĩa Đô, cho biết: “Cách đây 20 năm, nền nhà tôi cao hơn mặt đường tới nửa mét, nhưng giờ đây thấp hơn mặt đường 20 cm, nên cứ mưa là ngập. Giờ chỉ có cách là tôn nền để không bị ngập”.

Xử lý cục bộ

Thừa nhận sự bất cập này, ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Sỡ dĩ còn các điểm ngập úng là do hệ thống thoát nước đô thị tại một số quận, huyện chưa được đồng bộ. Phần lớn các mương thoát nước có tiết diện nhỏ, cao độ đáy hiện trạng không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước mưa. Các tuyến kênh, mương thuộc Dự án thoát nước giai đoạn II đang thi công, chưa phát huy hiệu quả thoát nước mùa mưa 2015”.

Theo ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước khu vực nội thành Hà Nội, đơn vị đã lên kế hoạch giải quyết các điểm úng ngập theo từng tình huống. Đơn vị huy động lực lượng xung kích thực hiện vệ sinh các họng thu nước mặt, kiểm tra xử lý các vật cản làm thu hẹp dòng chảy; vận thành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt; đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa năm nay sẽ có từ 7 - 9 trận mưa to đến rất to (lượng mưa lớn hơn 50 mm trong 24 giờ), lượng mưa có khả năng tăng từ 5 - 10%, trong khi đó, hệ thống thoát nước trên địa bàn Hà Nội chưa đồng bộ, nên sẽ có có nhiều điểm ngập úng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, với những trận mưa có cường độ từ 50 - 100 mm kéo dài trong 2 giờ, khu vực Hà Nội sẽ có 33 điểm úng ngập. Sở Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình thoát nước, phấn đấu giải quyết được 10 điểm ngập trong tháng 6 gồm Vĩnh Hưng, Quan Nhân, Kim Hoa, Đức Giang, Hoàng Mai, Tây Mỗ, Thợ Nhuộm, Tây Sơn, Cự Lộc, Châu Văn Liêm.

Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị chức năng triển khai nạo vét bằng cơ giới tại các trục tiêu thoát chính và các trọng điểm úng ngập đảm bảo các trục tiêu thoát chính được nạo vét ít nhất một lần một tuần trước mùa mưa. Đến cuối tháng 6, tất cả các trục mương chính thoát nước cho từng tiểu lưu vực được nạo vét đồng bộ… Mực nước tại các hồ điều hòa trong khu vực nội thành khống chế theo cao độ quy định. Trong đó, với các hồ nội thành có khả năng điều hòa thoát nước như hồ Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ, hạ mực nước đến cao độ 3,5 m.

Để chủ động phòng chống úng ngập, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị phải xây dựng phương án xử lý cục bộ, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh nhất, phân làn, phân luồng phương tiện giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đối với các điểm úng ngập tại các khu dân cư, các đơn vị phải có khảo sát lại thiết kế để kết nối hệ thống hạ tầng bảo đảm tiêu thoát nước mưa nhanh nhất. Các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý đơn vị thi công không tuân thủ đúng biện pháp dẫn dòng thoát nước đã thỏa thuận đối với công trình cống hóa mương trên địa bàn thành phố, tháo dỡ kịp thời khi có mưa. Thanh tra Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa lấn chiếm hồ, mương, sông, không để xảy ra tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm phát sinh; yêu cầu dỡ bỏ, ngừng thi công các công trình xây dựng ảnh hưởng đến thoát nước… Sở Giao thông Vận tải, cảnh sát giao thông thống nhất phương án phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm úng ngập khi có mưa lớn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành hợp lý giữa hệ thống thoát nước khu vực nội thành và ngoại thành, trong đó, ưu tiên giải quyết úng ngập cho khu vực nội thành…

Theo Ban Quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng), Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - dự án II được chia làm 13 gói thầu; trong đó có 4 gói thầu đã hoàn thành; một số hạng mục thoát nước đã được bàn giao. Các gói thầu còn lại tùy theo hạng mục công việc đã hoàn thành từ 50 - 98% và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015.



Xuân Minh