12:08 13/12/2012

Hà Nội và TPHCM: Nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành

Là hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước, nhưng do ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế thế giới nên tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.

Là hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước, nhưng do ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế thế giới nên tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.


Mặc dù tổng sản phẩm GDP, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt mục tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra nhưng để duy trì tốc độ tăng trưởng, chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội thì hai thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp về KT - XH.


Nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch


Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho rằng: Năm 2012 tình hình thực hiện KT-XH của Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng cơn bão tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nội tại nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh dịch vụ phải đối mặt với nhiều thử thách, giá cả nguyên nhiên vật liệu tiếp tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sức mua của thị trường giảm. Nhiều doanh nghiệp đình trệ, thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân.


Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV.
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Tại Hồ Chí Minh, theo đánh giá của HĐND TP, năm 2012, có 6/30 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Đó là tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP), tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô), thu ngân sách trên địa bàn, số lao động có việc làm mới, diện tích nhà ở bình quân đầu người. Còn với Hà Nội thì trong 15 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND thành phố, có 10 chỉ tiêu chưa đạt thuộc cả ba nhóm: Kinh tế tổng hợp, văn hóa - xã hội và đô thị - môi trường. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2013 và khả năng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ KT-XH 5 năm 2011-2015 của thành phố.


Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, mặc dù có một số chỉ tiêu phát triển KT - XH và tăng trưởng GDP của Thủ đô không đạt kế hoạch đề ra, song trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá và vẫn cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Trong thu ngân sách, riêng thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, số tiền giãn, hoãn thu khoảng 13.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng số thu, nếu cộng cả số này ngân sách thành phố sẽ thu vượt dự toán khoảng 4%, tuy không đạt dự toán thu nhưng tổng thu so với năm trước vẫn tăng. Bên cạnh đó, do tác động của suy thoái kinh tế, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát đã làm cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, số doanh nghiệp ngừng hoạt động khoảng 13.000 doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực về đô thị, văn hóa, xã hội… còn những tồn tại, yếu kém. Vừa qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã kiểm điểm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, quản lý đô thị, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực này, đồng thời xác định các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.


Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đề nghị đánh giá lại một số chỉ tiêu cho chính xác. Như mức thu ngân sách, trong báo cáo nêu đạt 95% dự toán, nhưng thực tế tại nhiều địa phương việc thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, chỉ đạt khoảng trên dưới 80%. Qua đó cần chỉ rõ trách nhiệm của các quận, huyện trong thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó cần xem xét lại việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi chưa tương xứng, mất cân đối (giao nhiệm vụ chi nhiều hơn thu). Hay tỷ lệ 11,4% trong tổng số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình hiện nay. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng chưa phá sản được vì thủ tục rất phức tạp.


Đối với TP Hồ Chí Minh, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, mức tăng GDP cả năm 2012 của TP Hồ Chí Minh ước đạt 9,2%, gấp 1,77 lần mức tăng chung cả nước. Cũng theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, kinh tế thành phố phát triển thiếu ổn định, chưa thật sự bền vững, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt kế hoạch đề ra (ước tăng dưới 5,5%), thấp hơn so với cả nước nhưng chưa vững chắc.


Cần đánh giá đúng tình trạng doanh nghiệp


Một trong những vấn đề tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội được đông đảo cử tri và đại biểu hai thành phố quan tâm đề nghị làm rõ là tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn và hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.


Cử tri Hà Nội đề nghị rà soát, đánh giá đúng tình trạng các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng chính sách giải quyết hàng tồn kho, chính sách hỗ trợ, giải ngân vốn. Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tăng cường cuộc vận động người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt. Chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp tại các làng nghề, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.


Một trong những bất cập lớn hiện nay, đa số các đại biểu của Thủ đô cho rằng chưa làm rõ được nguyên nhân kém hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có giải pháp hữu hiệu hơn. Có ý kiến nêu con số cụ thể: Năm 2012, thành phố đã bố trí 100 tỷ đồng vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng báo cáo cho biết mới chi được 17 tỷ đồng. Nếu không làm rõ tại sao giải ngân thấp như vậy sẽ không đề xuất được giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những năm tiếp theo. Thời gian qua thành phố Hà Nội liên tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế tỷ lệ giải ngân quỹ hỗ trợ doanh nghiệp rất thấp. Cần xác định nguyên nhân về cơ chế, thủ tục hỗ trợ và cả sự năng động của các doanh nghiệp. Ở các huyện ngoại thành, nhiều doanh nghiệp ngại tiếp cận vì thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn lúng túng trong đầu tư nên chưa tiếp cận vốn. Thừa nhận những phức tạp, rườm rà trong thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bước đầu đã được nới lỏng, khả năng năm tới sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.


Quyết liệt hơn trong thực hiện mục tiêu


Trong Nghị quyết về nhiệm vụ KT-XH năm 2013, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua 25 chỉ tiêu, trong đó GDP trên địa bàn tăng 9,5% trở lên, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 248.500 tỷ đồng (chiếm từ 36% GDP trở lên); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5%. Giải quyết việc làm cho 265.000 người, lao động có việc làm mới 120.000 người, tỷ lệ thất nghiệp giảm 4,8%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố giảm còn 2,32%…


Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Hứa Ngọc Thuận cho rằng năm 2013, thành phố sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, chỉnh trang các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Tây Bắc Củ Chi, khu Nam Sài Gòn, khu đô thị cảng Hiệp Phước… Song song đó, thực hiện tốt các chương trình phát triển nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở cho người có thu nhập thấp theo hướng xã hội hóa để từng bước xây dựng thành phố khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: vnexpress.ne


Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết: Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng lĩnh vực, ổn định thị trường tài chính, tín dụng trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường xây dựng, quản lý đô thị, quản lý quy hoạch theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


Với thủ đô Hà Nội, nhiều đại biểu băn khoăn về việc UBND thành phố đưa ra chỉ tiêu tăng GDP trên địa bàn 8 - 8,5% trong năm 2013. Hay chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở năm 2012 không đạt, đề nghị UBND thành phố nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu hợp lý để quận, huyện có thể thực hiện được. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, một trong những nguyên nhân do chỉ tiêu giao cho các quận, huyện quá cao và không sát thực tế nên không khả thi. Bên cạnh đó, cần sự chủ động vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành hữu quan để tháo gỡ khó khăn, vừa hoàn thành kế hoạch, vừa góp phần tăng thu cho ngân sách. Nếu không có kế hoạch và lộ trình cụ thể cho vấn đề này thì rất khó hoàn thành.


Để đạt được những chỉ tiêu trên, Hà Nội sẽ tạo bước đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thêm việc làm và duy trì tăng trưởng. Phát triển thị trường nội địa, tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển như phát hành trái phiếu, đẩy mạnh các hình thức đầu tư BT, BOT… Với thị trường bất động sản, Chủ tịch cho biết, để giải quyết tình trạng đóng băng hiện nay, TP sẽ chỉ đạo tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại một số khu nhà thương mại làm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh các dự án để đảm bảo việc triển khai theo đúng chiến lược, quy hoạch và nhu cầu phát triển; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với nhà chung cư…


Dự báo tình hình kinh tế năm 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, Nguyễn Hoài Nam thì cần những giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện hiệu quả kế hoạch năm 2013. Như trong giải pháp: Cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kiểm soát, theo đại biểu thì chúng ta đã nắm chắc danh mục các nhà đầu tư vi phạm, vấn đề đặt ra là phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Báo cáo giám sát của HĐND thành phố cũng chỉ rõ những nội dung này, cần được đưa vào nội dung nghị quyết để sớm được triển khai thực hiện. Hay giải pháp về công tác quản lý đô thị còn nặng về khẩu hiệu, phải đi vào những nội dung cụ thể với những giải pháp mạnh thì mới có thể thực hiện hiệu quả.

V.T (tổng hợp)