02:21 24/02/2015

Hà Nội tưng bừng khai hội chùa Hương

Các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội tưng bừng diễn ra trong tiết trời nắng ấm.

Ngày 24/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội tưng bừng diễn ra trong tiết trời nắng ấm. Đông đảo nhân dân và du khách thập phương trảy hội, cầu mong may mắn, bình an trong năm mới.

Trong sáng 24/2, lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức tưng bừng khai hội. Mặc dù thời tiết thuận lợi nhưng do hôm nay bắt đầu ngày làm việc của các cơ quan, đơn vị nên lượng người trảy hội chùa Hương không đông bằng các năm trước.

Các đại biểu dâng hương trong lễ khai hội chùa Hương. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích Hương Sơn: Mặc dù không đông bằng ngày khai hội các năm trước nhưng hôm nay, chùa Hương vẫn đón khoảng 4 vạn lượt người đến tham quan, trẩy hội. Tính từ ngày mùng 3 đến nay, lượng khách đến chùa Hương đã đạt 16 vạn lượt người.

Năm nay, thực hiện “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”, UBND huyện Mỹ Đức tăng cường công tác quản lý lễ hội về các phương diện: Văn minh nơi thờ tự, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo ghi nhận, ngày khai hội chùa Hương năm nay không còn xảy ra tình trạng ùn tắc ở khu vực cáp treo và cửa vào động Hương Tích. Người hành lễ không còn chịu cảnh chờ đợi hàng giờ ở nhà ga cáp treo để đợi đến lượt hay chen lấn, xô đẩy để vào chiêm bái trong động. Nhìn chung, cảnh lộn xộn không còn diễn ra cả ở khu vực bến đò, trên dòng suối Yến đến các điểm di tích trong khu Hương Sơn.

Tại khu vực bán hàng ăn uống, trong ngày khai hội không có tình trạng treo thịt động vật gây phản cảm nơi cửa Phật như mọi năm. Mùa lễ hội này, UBND huyện Mỹ Đức kiên quyết yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ăn uống, sau khi sơ chế thịt động vật phải đặt trên đĩa bày trong tủ kính.

Trước mùa lễ hội, Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức tổ chức tập huấn cho các chủ hộ kinh doanh ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách thập phương. Huyện tổ chức các đội kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra các cửa hàng ăn uống để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu cửa hàng nào vi phạm có thể bị thu hồi hàng hóa, phạt hành chính, thậm chí phải đóng cửa.

Du khách thập phương đến chùa Hương trong ngày khai hội. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


Tại các di tích trong khu Hương Sơn, việc hành lễ của du khách mùa lễ hội này cũng có nhiều chuyển biến khi tình trạng lễ mặn không còn nhiều, Ban tổ chức không cho du khách đốt hương, mang vàng mã vào điện thờ chính. Vấn đề đổi tiền lẻ, chèo kéo khách cũng được Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đưa ra giải pháp triệt để.

Các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trong lễ hội, những hộ cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đặc biệt, tình trạng chặt chém khách được hạn chế tới mức tối đa.

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn và kéo dài nhất trong năm, từ tháng Giêng đến hết tháng Ba. Dự kiến, mùa lễ hội năm nay, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, trẩy hội.

Sáng 24/2, tại khu di tích lịch sử Cổ Loa diễn ra lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ công đức của An Dương Vương trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự và chiêm bái.

Lễ hội Cổ Loa tái hiện lại nghi lễ dân gian truyền thống độc đáo của nhân dân bát xã Loa Thành, đó là hội rước Bát xã Loa Thành mang đậm bản sắc truyền thống. Trong Bát xã: Anh cả Quậy, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sáp, Đại Bi, Cầu Cả, Thư Kưu thì đoàn anh cả Quậy được trọng vọng hơn cả trong việc đón tiếp và tế lễ vua.

Theo văn bia và truyền thuyết tổ tiên làng Quậy, làng Quậy là dân chính gốc trên mảnh đất Bát xã Loa Thành. Khi ấy, vua An Dương Vương dựng đô và xây đắp thành Cổ Loa, tổ tiên làng Quậy thực hiện lệnh vua đã chuyển cư lập trang Hà Hào tức làng Quậy ngày nay.

Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương tức vị lên ngôi Hoàng Đế, nhân dân làng Quậy vinh dự được vua ban cho vào chúc vua đầu tiên. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, Cổ Loa và làng Quậy vẫn thực hiện lời tiên đế để lại.

Nghi lễ rước kiệu diễn ra đúng phong tục truyền thống, thể hiện sự tri ân của người dân Bát xã Loa Thành đối với công lao của vua An Dương Vương cũng như tổ tiên trong buổi đầu dựng nước, giữ nước.

Sau khi thực hiện nghi lễ dâng lễ Đức vua, các đoàn tiếp tục nghênh rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Trung và sân Rồng Hạ, vòng qua hồ Ngọc Tỉnh về tiếp tục về đình làng. Cùng với đó, dân làng thay phiên nhau cầu nguyện để tổ tiên phù hộ cho cuộc sống thái bình, thịnh vượng.

Trước đó, ngày 23/2, tại khu vực lễ hội tổ chức giải bóng chuyền da mở rộng, giải vật truyền thống, bắn nỏ Loa thành cùng các hoạt động biểu diễn múa rối nước, các chương trình văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và truyền thống.


Đinh Thị Thuận (TTXVN)