09:13 18/09/2021

Hà Nội: Tiểu thương kinh doanh mặt phố 'nín thở' chờ nới lỏng giãn cách

Từ 12 giờ ngày 16/9, có 19 quận, huyện "vùng xanh" của TP Hà Nội được mở cửa bán các mặt hàng ăn uống mang về, vật liệu xây dựng, kim khí, đồ gia dụng, sản xuất nông nghiệp... cho thấy mục tiêu "bình thường mới" đang tới gần với Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn hộ tiểu thương buôn bán tại các cửa hàng mặt phố phải đóng cửa "im lìm" suốt nhiều tháng qua vẫn đang "nín thở" chờ nới lỏng giãn cách để khôi phục kinh doanh.

Các cửa hàng mặt đường san sát, cửa cuốn, cửa sắt, cửa kính đóng im lìm 24/24 giờ... là thực trạng trong những ngày giãn cách xã hội trên các tuyến phố buôn bán sầm uất trước đây tại các quận nội đô. Khác với cảnh tấp nập ngược xuôi, người xe ra vào hối hả, vội vã, ồn ào tại các cửa hàng kinh doanh mặt đường thì nay không khí vắng lặng, ảm đạm bao trùm khắp các tuyến phố "tấc đất tấc vàng". Từ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường... đến Chùa Bộc, Thái Hà, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Trãi, Xã Đàn... hàng loạt cửa hàng kinh doanh thời trang, giày dép, chăn ga gối đệm, điện máy... đều cửa đóng, then cài.

Chị Thảo Lan, người thuê cửa hàng trên phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm) kinh doanh thời trang chia sẻ: Đã 3 tháng nay, cửa hàng chị thuê đã phải đóng cửa. Hợp đồng đã ký với chủ nhà cả năm, mặc dù đã thỏa thuận giảm tiền thuê nhà tới 50% số tiền thuê hàng tháng do giãn cách xã hội phải đóng cửa, nhưng nếu không sớm được mở bán lại, chị sẽ mất trắng tiền thuê nhà và lỗ nặng. Vì vậy, chị luôn theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và ngóng chờ lệnh "nới lỏng giãn cách" của Thành phố để khôi phục kinh doanh, gỡ vốn...

Clip phóng viên báo Tin tức ghi lại các cửa hàng đóng cửa thời dịch bệnh:

Chú thích ảnh
Phố "ô tô cũ" trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) ìm lìm nhiều tháng qua.
Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng trên tuyến phố "thời trang" Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) giáp ngày Tết Trung thu, nhưng không khí ảm đạm bao trùm.
Chú thích ảnh
Phố chợ Đồng Xuân - Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm) trong cảnh tương tự.
Chú thích ảnh
Các cửa hàng kinh doanh gấm lụa trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) đóng cửa im lìm như đang nghỉ Tết. 

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Hà Nội đang đi đúng hướng trong phòng chống dịch COVID-19, sau khi tình hình dịch bớt nóng, thành phố đã có chỉ đạo các địa phương thuộc “vùng xanh” xây dựng kế hoạch "bình thường mới" an toàn trong bối cảnh dịch bệnh để tránh để đứt gẫy chuỗi sản xuất kinh doanh hàng hóa. Trên tinh thần mở rộng "vùng xanh" tiến nhanh đến bình thường mới, Thành phố khuyến khích doanh nghiệp, hộ tiểu thương, người dân mở cửa sản xuất, phục hồi kinh doanh, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ công tác đảm bảo phòng chống dịch theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương.

Có thể nhận thấy, từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến nay, TP Hà Nội tiếp tục nỗ lực gương mẫu, đi đầu trong phòng chống dịch bệnh; "tùy cơ ứng biến" để bảo đảm an toàn cho người dân, không để đứt gãy sản xuất, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, các cấp từ quận, huyện đến xã, phường không thỏa mãn trong phòng chống dịch, dù kết quả đã có bước tiến mới, nhưng công tác phòng chống dịch COVID-19 vẫn đang đặt ra những thách thức lớn vì các ca F0 cộng đồng vẫn còn, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Phố "giày dép" Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm) không còn cảnh tấp nập như những ngày tháng chưa có dịch.
Chú thích ảnh
Ngã ba "trà chanh chém gió" Nhà Thờ-Nhà Chung-Lý Quốc Sư vắng lặng, không còn cảnh ồn ào như trước đây.
Chú thích ảnh
Đoạn phố "xe đạp" Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) đã lâu không còn cảnh tập nập các bậc phu huynh đưa con trẻ đi mua xe đạp.
Chú thích ảnh
Phố "thời trang dành cho phái đẹp" - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) im lìm từ đầu đến cuối phố.

"Ngay cả khi TP Hà Nội đang xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng thêm các hoạt động dịch vụ, song, tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tiếp tục coi phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo TP Hà Nội, trong thời gian tới, Thủ đô sẽ khoanh vùng dập dịch ở quy mô nhỏ nhất, nhưng vẫn đảm bảo khôi phục kinh tế. Thành phố sẽ giao nhiệm vụ cho địa phương trên cơ sở phòng dịch lên hàng đầu. Các quận, huyện, thị xã được mở cửa cần yêu cầu bắt buộc với các cơ sở kinh doanh, hộ tiểu thương phải tạo điểm quét QR Code để khách đến mua hàng khai báo y tế. Qua tiêm chủng, về cơ bản các địa bàn đã phủ hết mũi 1 vaccine phòng COVID-19, đề nghị các địa phương rà soát lại đối tượng đã tiêm mũi 1, để hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, cùng với giãn cách xã hội đã và đang khiến không chỉ hàng trăm nghìn hộ tiểu thương và doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Hà Nội phải đóng cửa, khiến số đông người lao động kiệt quệ vì mất việc làm, thu nhập... Vì vậy, các tiểu thương, doanh nghiệp, người lao động hơn lúc nào hết ngoài chờ những chính sách hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đều hy vọng Thành phố sớm kiểm soát dịch, nới lỏng giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Chú thích ảnh
Phố "phụ kiện máy tính" Thái Hà (quận Đống Đa) hết cảnh tấp nập người và xe chen chúc. 
Chú thích ảnh
Sầm uất nhất trong các tuyến đường thuộc quận Đống Đa, phố "thời trang" Chùa Bộc những ngày giãn cách buồn hiu hắt.
Chú thích ảnh
Dọc tuyến phố "ăn uống, điện máy" Xã Đàn (quận Đống Đa), cảnh náo nhiệt trước đây được thay thế bằng không khí yên bình hiếm thấy. 
Chú thích ảnh
Phố Huế - tuyến phố buôn bán nhộp nhịp nhất quận Hai Bà Trưng trong cảnh vắng lặng, yên tĩnh.
Chú thích ảnh
Người dân Thủ đô sẽ khó thấy cảnh náo nhiệt trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) trong những ngày giãn cách xã hội. 

Dự kiến, sau ngày 21/9, Thành phố Hà Nội sẽ xem xét, đánh giá tổng thể, dự báo nguy cơ về tình hình dịch bệnh, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận, tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án phòng chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng bảo đảm kiểm soát; đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất đối với các điểm đang thực hiện cách ly, phong tỏa và điều chỉnh các giải pháp linh hoạt, kịp thời, phù hợp thực tiễn.

Trước đó, ngày 15/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, các các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND TP) được hoạt động các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập, dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng, dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức