Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đang tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, hướng tới xây dựng đô thị xanh, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Hạ tầng dần đồng bộ
Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chương trình có 32 chỉ tiêu, đến nay có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 11 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm nay.
Hạ tầng nông thôn mới Hà Nội được đầu tư nâng cấp, dần hoàn thiện.
Trong 4 năm qua, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản được chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm đạt từ 2,5-3,3%; đặc biệt trong những năm đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định an sinh xã hội, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đến nay, Thành phố Hà Nội đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao. Thành phố hiện có 1.574 trang trại nông nghiệp, nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái; có 337/1350 làng nghề và làng có nghề được công nhận. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đạt khoảng 73,8 triệu đồng, tăng 18,8 triệu đồng/người/ năm so với năm 2020. Thành phố không còn hộ nghèo, an sinh xã hội được chăm lo.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, Hà Nội đã tập trung dành nguồn lực từ ngân sách thành phố để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho xây dựng nông thôn mới. Trong 4 năm qua, toàn thành phố đã huy động được hơn 86.800 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội 800 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, có 12 quận thuộc thành phố đã bố trí kinh phí hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền là 1.132 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền, cho biết, từ năm 2021 đến nay, Hà Nội triển khai xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và thiên tai. Dù vậy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thành phố đạt nhiều kết quả nổi bật: 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Oai) và huyện Thường Tín đang đề nghị xét, công nhận. Thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 229 xã, chiếm 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 109 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tthành phố cũng không còn hộ nghèo.
Bên cạnh đó, qua rà soát, Hà Nội có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường”; “Đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4 m2/người”; “Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt từ 80% trở lên”.
Theo bà Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, đơn vị đã triển khai lấy ý kiến người dân 124 xã thuộc 18/18 huyện, thị xã về kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Tổng số hộ dân trên địa bàn 124 xã được lấy ý kiến là 136.885 hộ (đạt tỷ lệ 75,12% tổng số hộ). Qua tổng hợp phiếu, đại đa số hộ dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Trong đó, kết quả từ câu hỏi số 1 đến câu hỏi 8 có hài lòng của nhân dân đạt từ 98,8% đến 99,75%, riêng câu số 9 đạt 99,66%.
Do đó, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Hà Nội đang đề nghị xét, công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Phát huy nội lực trong nhân dân
Để hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trong năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị tiếp tục duy trì các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, phát triển theo hướng đô thị. Tăng cường tuyên truyền, huy động nội lực trong nhân dân, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đường làng ngõ xóm khu vực nông thôn mới Đan Phượng luôn sạch sẽ.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu tiếp tục rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tế. Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái, làng nghề. Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại; phát huy giá trị các di sản - di tích và làng nghề, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô.
Về nâng cao đời sống nông dân, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung các giải pháp phấn đấu thu nhập bình quân của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Tăng cường công tác xã hội hóa để huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chia sẻ về chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Công tác xây dựng nông thôn mới Hà Nội luôn được các cấp chính quyền Hà Nội quan tâm đầu tư nguồn lực và cách làm sáng tạo tại địa phương để đạt và vượt nhiều chỉ tiêu. Do đó, Hà Nội luôn đứng đầu về xây dựng nông thôn mới. Với tốc độ đô thị hoá như hiện nay, Hà Nội hướng đến xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị xanh và các xã nông thôn mới thuần tuý gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống, phát triển du lịch.