10:14 16/10/2020

Hà Nội rà soát các chỉ tiêu kinh tế để có giải pháp hoàn thành

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác 9 tháng năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ của 3 tháng cuối năm 2020 do UBND thành phố tổ chức sáng 16/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, năm 2020 là năm đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, chủ động, trách nhiệm và năng động từ thành phố đến cơ sở để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Kết quả này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố sẵn sàng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ thể chế, chính sách để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chỉ đạo, điều hành nhằm chung sức hoàn thành tốt nhất mục tiêu kinh tế năm 2020.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích những khó khăn, tồn tại và đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng trưởng kinh tế của các sở ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở ngành, quận huyện tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong những tháng cuối năm, tập trung thực hiện các giải pháp để quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, tổng sản phẩm (GRDP) quý III/2020 của thành phố Hà Nội tăng 3,05%, cao hơn quý II và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 3,27%, gấp 1,54 mức tăng chung của cả nước.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế để đảm bảo tăng trưởng GRDP cả năm đạt từ 4-4,5%; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, vốn FDI.

Để hoàn thành 9 nhiệm vụ trọng tâm của quý IV/2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Ngô Văn Quý đề nghị các sở ngành, quận huyện rà soát tất cả các chỉ tiêu để có biện pháp cụ thể thực hiện hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020; tập trung thu, chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác, các tổ công tác đã triển khai và đã rà soát từng công trình, dự án. Các sở ngành, quận huyện chuẩn bị kỹ kế hoạch năm 2021; trong đó tập trung phải rà soát kỹ các chỉ tiêu kinh tế xã hội đến các lĩnh vực về đầu tư.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, 9 tháng năm 2020, thu ngân sách của thành phố cơ bản được đảm bảo; cung ứng hàng hóa ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt. Chi đầu tư phát triển của thành phố ước thực hiện quý III là 6.852 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng là 19.470 tỷ đồng, đạt 43,3% dự toán (tăng 20,8% so với cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý III ước đạt 113,15 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt 265,32 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ, kim ngạch xuất khẩu quý III ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10,3%; lũy kế 9 tháng đạt 12,14 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu quý III ước đạt 7,01 tỷ USD, giảm 10,8%, lũy kế 9 tháng đạt 20,78 tỷ USD, giảm 9,5%. Các nhóm hàng đầu vào sản xuất có giá trị nhập khẩu lớn đều giảm cho thấy việc suy giảm chung về nhu cầu sản xuất trong nước là nguyên nhân chủ yếu làm giảm kim ngạch nhập khẩu.

Trong quý III sản xuất nông nghiệp tăng khá cao và dự báo quý IV tiếp tục tăng ổn định. Sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng. Ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình. Hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục tăng cao. Hệ thống tín dụng, ngân hàng ổn định, dự nợ tín dụng ngân hàng duy trì tăng trưởng khá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại cần được quan tâm khắc phục. Đó là kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch COVID -19, tạo áp lực lớn đối với các cân đối lớn trong thời gian tiếp theo. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước; việc tuyển sinh, đào tạo nghề còn nhiều khó khăn. Việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đáp ứng tiến độ đề ra.

Việc quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng ngân sách được tích cực triển khai, tuy nợ đọng ngân sách vẫn còn lớn. Chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm. Chỉ số SIPAS và PAPI còn ở mức thấp. Tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giải ngân có chuyển biến so với cùng kỳ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tuyết Mai (TTXVN)