08:09 11/08/2021

Hà Nội quản lý an toàn phòng dịch cho đội ngũ shipper

Hà Nội đã ghi nhận nhân viên giao hàng mắc COVID-19 cho thấy, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bưu kiện, shipper đặt ra cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 cho đội ngũ này cần được đặt lên hàng đầu.

Ngày 9/8, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có công văn về việc rà soát 341 người liên quan đến các trường hợp F0 tại Công ty TNHH MTV Logistic Viettel, do trước đó (từ ngày 5-9/8), quận này đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại công ty này.

Chú thích ảnh
Công tác quản lý, đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 cho đội ngũ shipper cần được đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Với tính chất phức tạp của ổ dịch tại công ty TNHH MTV Logistic Viettel, do đây là công ty vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đi đến các quận, huyện và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều người dân cảm thấy lo ngại về tính an toàn phòng dịch COVID-19 trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, shipper.

Ngay sau khi ghi nhận các ca F0 tại Công ty TNHH MTV Logistic Viettel, UBND quận Bắc Từ Liêm đã đề nghị UBND các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Lai Châu, Nghệ An, Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Điện Biên, Bắc Ninh và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có liên quan phối hợp rà soát những người liên quan để có biện pháp phòng dịch theo quy định.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản quyết định dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper). Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu, các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) tạm dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe từ ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô.

Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân, thành phố vẫn cho phép nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử được hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch và được quản lý chặt chẽ.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố chỉ đạo ngành công thương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thống nhất những đối tượng thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử được phép lưu thông trên địa bàn. Cụ thể là những nhân viên shipper của hệ thống siêu thị, hệ thống logistic của sàn thương mại điện tử, nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ.

Về danh sách những doanh nghiệp quản lý shipper được phép hoạt động vận chuyển hàng hóa đến tay người dân ở Hà Nội hiện nay, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề nghị của các Sở quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp mã xác nhận qua tin nhắn cho nhân viên sử dụng phương tiện xe mô tô, xe 2 bánh tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu và bưu gửi.

Cụ thể, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Còn Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị đối với hoạt động vận chuyển bưu gửi sử dụng phương tiện xe mô tô, xe 2 bánh. Danh sách các đơn vị đã được Sở Giao thông Vận tải cấp mã xác nhận cập nhật hàng ngày và niêm yết công khai trên website của Sở. Đơn vị vận chuyển có thể chỉ giao hàng tới các siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Trên website của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cập nhật ngày 10/8/2021, Sở Giao thông Vận tải đã cấp mã xác nhận nhân viên vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng xe mô tô, xe 2 bánh 6 đợt với trên 8.000 phương tiện của vài chục đơn vị theo đề nghị của Sở Công Thương; trong đó, bao gồm: Công ty TNHH MTV Sài gòn Co.op Hà Nội, Công ty cổ phần thực phẩm Hương Sơn, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt, Công ty TNHH TMQT va DVST BigC Thang Long, Công ty TNHH 2-9 Hà Tây, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội, Công ty cổ phần Quốc tế Home fam, Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Mart), Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội, Công ty AEON Việt Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội…

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng cấp mã xác nhận cho hoạt động vận chuyển bưu gửi bằng xe mô tô, xe 2 bánh của 26 đơn vị theo đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông.

Với số lượng phương tiện được cho phép vận chuyển hàng hóa khá lớn, việc quản lý các đơn vị cũng như nhân viên shipper như thế nào để đảm bảo an toàn phòng dịch khi nhân viên đi giao hàng là vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm.

Đối với vấn đề này, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, ngày 24/7/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 2366/UBND - ĐT về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17/CT - UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố trong lĩnh vực vận tải.

Văn bản nêu rõ, đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện là nhân viên thuộc quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp phải đăng ký danh sách với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở chuyên ngành để tổng hợp, gửi Sở Giao thông Vận tải cấp mã số xác nhận, đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Tại văn bản số 2450/UBND - ĐT ngày 30/7/2021 của UBND thành phố về việc cấp mã xác nhận cho hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe 2 bánh, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Thông tin và truyền thông kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng về số lượng, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe 2 bánh.

Đồng thời, đánh giá nhu cầu hoạt động để có đề xuất, đăng ký cấp mã xác nhận cho các đơn vị, doanh nghiệp duy trì hoạt động ở mức độ tối thiểu nhất có thể để đảm bảo cung ứng, vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân,; đảm bảo việc phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố.

Từ những quy định trên, ông Đào Việt Long đề nghị, Sở Công Thương, Sở Thông tin và truyền thông và các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các doanh nghiệp, đơn vị đã đề nghị cấp mã xác nhận hoạt động. Điều này để đảm bảo đúng đối tượng, phương tiện vận chuyển (xe mô tô và xe 2 bánh), vận chuyển bưu gửi và hàng hóa thiết yếu theo danh mục quy định; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Là một trong những đơn vị được phép hoạt động vận chuyển hàng hoá trở lại, trên fanpage chính thức, Now.vn thông báo NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) được phép hoạt động trở lại tại 5 quận thuộc Hà Nội, gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân từ 6 giờ ngày 4/8 với sự giám sát chặt chẽ.

Theo đó, các lái xe của Now được yêu cầu tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 như: đo nhiệt độ và khai báo y tế hằng ngày trước khi bắt đầu làm việc; luôn mang khẩu trang và không tụ tập đông người trong suốt quá trình hoạt động; tránh tiếp xúc gần khi giao hàng, luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với khách hàng; sát khuẩn trước và sau mỗi lần giao hàng, vệ sinh túi giao hàng thường xuyên… 

Tuyết Mai (TTXVN)