Thủ đô Hà Nội đã từ lâu nổi tiếng với sự giàu có về di sản văn hóa và lịch sử. Với hơn 6.000 di tích lịch sử văn hóa và nhiều di sản đã được UNESCO công nhận, Hà Nội không chỉ là một điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam mà còn là một trung tâm văn hóa lịch sử của khu vực Châu Á.
Tại Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử” trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội (HPA) Bùi Duy Quang cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch 287/KH-UBND về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Trong đó, việc phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử đặc biệt được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi trọng.
Trong những năm qua, Hà Nội luôn được du khách quốc tế bình chọn là điểm đến bậc nhất trong tất cả các điểm đến du lịch của cả nước và có thể xứng tầm cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Năm 2024, Hà Nội được tạp chí Tripadvisor bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới và là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù đã có những bước tiến vững chắc trong phát triển du lịch, sự giàu có về văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tối đa. “Việc phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố. Điều này được thể hiện thông qua việc xây dựng các kế hoạch, dự án và sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề độc đáo và chất lượng" -ông Bùi Duy Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, việc đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch là các yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và khách du lịch cho Hà Nội.
Là một quản lý du lịch, ông Lê Hồng Thái (Công ty Lữ hành Hanoitourist), nhấn mạnh: “Để Hà Nội phát triển mạnh hơn, tương xứng với những lợi thế về tài nguyên, vị trí, chính sách và sự quan tâm thì còn rất nhiều việc để làm và thúc đẩy, trong đó có việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tour du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn, độc đáo mang tính riêng biệt gắn với nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào có vai trò hết sức quan trọng”.
“Cần phát triển sản phẩm du lịch dọc sông Hồng, vừa có trải nghiệm mới và gắn với các di tích lịch sử, làng nghề…; sản phẩm tour đêm di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu; phát triển thêm sản phẩm du lịch về nghệ thuật truyền thống văn hóa như cải lương, chèo với những trích đoạn nổi tiếng; xây dựng một số sản phẩm mới lạ về làng nghề truyền thống gắn với tham quan các di tích lịch sử như làng nón Chuông, làng hương Quảng Phú Cầu...” - ông Lê Hồng Thái kiến nghị.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển Tài nguyên Du lịch Sở Du lịch Hà Nội, bà Phạm Diễm Hảo cũng đề xuất các biện pháp cụ thể như tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích, gắn với phát huy giá trị di sản, và kiến tạo các điểm du lịch văn hóa có chất lượng, đẳng cấp cao; Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; khai thác các yếu tố đặc trưng của văn hóa Hà Nội để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.
Theo bà Phạm Diễm Hảo, Hà Nội cần chú trọng đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa, thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản. Từ đó, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Phát triển du lịch gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chính là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch làm động lực và tạo nguồn lực để tăng cường bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Đó chính là sự phát triển tương hỗ của du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử” - bà Phạm Diễm Hảo khẳng định.