11:09 14/11/2021

Hà Nội phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Hà Nội đẩy mạnh tuyển chọn, công bố trong hơn 2 năm qua nhằm giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, gắn với văn hóa truyền thống để từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Tạo nét riêng của vùng miền

Phát huy giá trị truyền thống, nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm giá trị được nâng tầm gắn với sản phẩm OCOP đã mang lại những thành công ban đầu. Cuối năm 2020, được sự hỗ trợ của quận Bắc Từ Liêm, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh chọn các sản phẩm truyền thống, gắn với văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng như: Bánh cốm, bánh phu thê, bánh pía, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng, chè lam... tham gia sản phẩm OCOP. Đó là những sản phẩm dân dã không chỉ ngon mà còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Nội, tham gia cạnh tranh với các sản phẩm bánh kẹo hiện đại trên thị trường.

Bà Ngô Thị Tính, Giám đốc Công ty cổ phẩn bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết: Để tham gia chương trình OCOP, đơn vị hệ thống và hoàn thiện lại hồ sơ theo tiêu chuẩn của hệ thống OCOP từ mẫu mã, bao bì, an toàn vệ sinh thực phẩm… để tham gia đánh giá xếp hạng 20 sản phẩm. Các sản phẩm phải đáp ứng 3 nhóm nội dung, gồm: Nhóm tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất và sử dụng nguyên vật liệu, lao động tại địa phương, phát triển sản phẩm); các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện sản phẩm); các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm...).

Chú thích ảnh
Một sản phẩm OCOP được giới thiệu quảng bá trong sự kiện gắn kết thị trường tiêu thụ năm 2020.

“Yếu tố không thể thiếu với sản phẩm của chúng tôi là truyền thống, văn hóa ẩm thực của các loại bánh bởi đây là nghề làm bánh truyền thống của ông bà để lại. Tuy nhiên, muốn các sản phẩm truyền thống tổn tại lâu dài thì phải đổi mới, truyền thống mà không thay đổi thì sẽ cũ kỹ và lạc hậu. Do đó, sản phẩm phải phát huy yếu tố truyền thống trong xã hội hiện đại, theo kịp nhu cầu của giới trẻ để từ đó làm cho họ ngày càng nhớ và yêu quý các sản phẩm truyền thống nhiều hơn”, bà Ngô Thị Tính chia sẻ trong hôm xét duyệt công nhận về sản phẩm OCOP.

“Theo đó, từ khảo sát thị trường, đơn vị luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, với sản phẩm làm quà biếu, chúng tôi phải làm cho sản phẩm sang trọng, đồng thời dùng chất bảo quản an toàn, thân thiện với môi trường để giữ sản phẩm được lâu hơn. Để làm được điều này, chúng tôi đã trải qua nhiều thất bại khi thử nghiệm, có những lô hàng đã phải đổ đi. Từ kinh nghiệm kết hợp với khoa học công nghệ, chúng tôi có những sản phẩm như hiện nay” bà Tính chia sẻ.

Từ mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ tại làng nghề nội thành Hà Nội, đến nay sản phẩm của Bảo Minh được bán trong siêu thị và xuất khẩu. Sản phẩm của Bảo Minh được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP có 4 mặt hàng tiềm năng 5 sao gồm: Bánh cốm, bánh cốm nhân sầu riêng, bánh phu thê, bánh pía và 16 sản phẩm được đánh giá đạt 4 sao. Việc được công nhận sản phẩm đạt sao trong chương trình OCOP tiếp tục được cơ quan chức năng và người tiêu dùng cả nước biết tới để giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.

Tương tự, bằng bí quyết “gia truyền”, bao đời nay, người dân làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) đã sản xuất ra sợi miến có hương vị đặc biệt: Dai, dẻo, giòn, thơm… từ củ dong riềng. Ông Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Dương Kiên chuyên sản phẩn miến dong cho biết: "Khi tham gia chương trình OCOP, chúng tôi tuân thủ về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khi sản xuất, đồng thời yếu tố văn hóa truyền thống, nguồn gốc sản phẩm được đơn vị kế thừa để mang tới hương vị đậm bản sắc quê hương nên được nhiều người biết đến. Nhờ vậy, không chỉ mở rộng tiêu thụ trong nước mà sản phẩm đã được xuất đi Nhật Bản. Chúng tôi luôn coi việc tham gia chương trình OCOP là bệ phóng để tiếp tục cạnh tranh trên thương trường".

Chú thích ảnh
Miến làng So đã được chuẩn hóa về mẫu mã bao bì để xuất khẩu quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam năm 2020.

Trong khi đó, sản phẩm dệt lụa tơ tằm xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức từ lâu đã được nhiều người biết đến."Để tạo sản phẩm riêng biệt mang đặc trưng vùng miền, chúng tôi làm lụa dệt từ tơ sen. Đây là những sản phẩm độc đáo, được sản xuất thủ công. Cùng với tham gia sản phẩm OCOP, đơn vị cũng tham gia các buổi hội thảo, hoạt động văn hóa như “Tiếng tơ”, hội thảo về tơ sen do Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức năm 2019-2020 để quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của Hà Nội”, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ.

Trong các sản phẩm OCOP của huyện Đan Phượng, sản phẩm “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ” khi tham gia sản phẩm OCOP được coi là cây giảm nghèo, làm giàu. Hiện toàn xã có 121 ha đất trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của xã) và đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ”. Sản phẩm “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ” đáp ứng đủ tiêu chí, xếp hạng sản phẩm OCOP. Nhờ sản phẩm tốt, thương hiệu vùng trồng bưởi lâu năm nên được đặt mua, bao tiêu từ sớm nên mỗi ha trồng bưởi tôm vàng cho giá trị khoảng 500 triệu đồng/năm.

“Quan trọng nhất khi tham gia sản phẩm OCOP với bưởi tôm vàng là chỉ dẫn địa lý, giúp người dùng định danh nơi trồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khi gắn với yếu tố truyền thống vùng trồng bưởi và tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, sản phẩm này luôn đắt khách dịp Tết”, ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện Đan Phượng cho biết.

Đến nay, huyện Đan Phượng đã có hơn 56 sản phẩm OCOP được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ uống và cây cảnh. Trong đó có 21 sản phẩm 4 sản phẩm thuộc nhóm hoa lan Hồ Điệp, trà xạ đen, chân gà, đông trùng hạ thảo; 35 sản phẩm 3 sao thuộc nhóm rau, quả, rượu, nem phùng, khoai lang kén, bưởi. Đây cũng là nhóm sản phẩm được huyện Đan Phượng tập trung phát triển. “Huyện sẽ gắn tiêu thụ các loại sản phẩm OCOP với phát triển du lịch, để sản phẩm này đươc tiêu thụ ngay trên địa bàn. Muốn vậy, chỉ dẫn địa lý, yếu tố văn hóa truyền thống, kết hợp với công nghệ số đảm bảo mẫu mã đẹp, an toàn sẽ là hướng phát triển bền vững”, ông Trần Đức Hải chia sẻ.

Sản phẩm gắn với với cộng đồng

Trao đổi về vấn đề giữ gìn nét văn hóa trong sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, cho biết: Sản phẩm OCOP mang tính cộng đồng, địa phương nên hầu hết các sản phẩm đều bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống của cộng đồng dân cư. Một trong các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP là trong câu chuyện sản phẩm, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng, không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Chú thích ảnh
Quy trình dệt lụa tơ tằm được giới thiệu, quảng bá về nét truyền thống bao đời nay tại huyện Mỹ Đức.

Do đó, để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội hướng dẫn các địa phương hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, khi được công nhận sản phẩm OCOP, các địa phương tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Chí cho biết: Năm 2020, thành phố đã tổ chức các sự kiện kết nối sản phẩm OCOP với theo từng vùng. Trong năm 2021, do dịch bệnh, Văn phòng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số “Tập huấn online”; Hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội Livestream”, hay hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”… để các chủ thể trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên nền tảng mạng xã hội.

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Việt Nam cho biết: “Trong tổng số trên 1.500 sản phẩm đơn vị đang phân phối có gần 100 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội chiếm hơn một nửa. Đó là những sản phẩm mang tính đặc thù vùng miền. Trước đây dù sản phẩm này đạt chất lượng tốt nhưng do bao bì, nhãn mác, giấy tờ chưa bài bản nên công tác kết nối để tiêu thụ rất khó khăn”.

“Do đó, từ khi sản phẩm được công nhận OCOP và đưa vào hệ thống phân phối, nhất là phân phối trên sàn thương mại điện tử, chúng tôi tư vấn cho các xã, các đơn vị , chủ thể hoàn thiện công đoạn từ bao bì, nhãn mác, giấy tờ được chuẩn hóa, nhất là nguồn gốc sản phẩm, tạo mã vạch, mã QR code nên khi đưa lên sàn thương mại điện tử khá thuận lợi. Các sản phẩm Hà Nội có ưu thế là nguồn gốc rõ ràng, gắn với nhiều làng nghề truyền thống nên khi được nhận diện sẽ tiêu thụ nhiều hơn”, ông Đỗ Hoàng Thạch cho biết.

Còn ông Nguyền Hồng Nguyên, Trưởng phòng Hướng dẫn viên (Hanoitourist) cho biết: Sản phẩm OCOP Hà Nội mới được đẩy mạnh truyền thông trong 2 năm gần đây, gắn với một sản phẩm đặc trưng của địa phương. Khi tôi đi hướng dẫn cho khách về một điểm du lịch cũng rất muốn giới thiệu với du khách về một sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng, gắn với truyền thống, văn hóa hoặc ẩm thực độc đáo của địa phương. Trước đây sản phẩm bày bàn mang tính dân dã truyền thống nhưng gần đây đã chú trọng nhiều yếu tố bao bì, mẫu mã sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, an toàn nên được nhiều du khách chú ý. Đặc biệt là các sản phẩm của làng nghề, sản phẩm ẩm thực, thực phẩm khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thanh Trì… đang được giới thiệu như sữa, gà mía, chè, rau hữu cơ được rất nhiều du khách quan tâm dù giá không hề rẻ.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến cuối năm 2020, thành phố đã đánh giá phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP, của 216 chủ thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 731 sản phẩm 4 sao và 306 sản phẩm 3 sao. Đến nay, thành phố đã có 541 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021.

Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận từ 3 sao trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, mỗi quận, huyện thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trong quá trình xây dựng, đánh giá sản phẩm OCOP, đại diện các phòng kinh tế các huyện tại Hà Nội đều cho rằng, nhiều sản phẩm truyền thống trước đây gắn với mô hình sản xuất nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa; quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu chưa bài bản... Do đó, tham gia làm sản phẩm OCOP đòi hỏi một sự chuyên nghiệp hóa, chuẩn hóa trong tiến trình hội nhập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: Yếu tố văn hóa có vai trò tạo nên hồn cốt của sản phẩm nghề truyền thống, nhất là Hà Nội có nhiều làng nghề, phố nghề, nhiều nghệ nhân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các sản phẩm cũng phải thích ứng, hội nhập phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của người dùng. Có vậy, yếu tố văn hóa, truyền thống trong các sản phẩm OCOP sẽ lan tỏa rộng rãi.

Bài và ảnh: XM/Báo Tin tức