07:08 19/07/2025

Hà Nội: Nhiều cơ sở sát hạch lái xe gặp khó vì thiếu thí sinh

Đợt cao điểm sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), mỗi ngày Phòng CSGT Hà Nội có thể thành lập 5 - 7 hội đồng thi. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo lại gặp khó khăn khi số lượng thí sinh đăng ký còn thấp, nhiều người xin lùi lịch vì chưa đủ tự tin.

Trước nhu cầu sát hạch cấp GPLX của người dân Thủ đô gia tăng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội đã mở đợt cao điểm, huy động tối đa nguồn lực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc tổ chức các kỳ thi sát hạch lại đang gặp nhiều khó khăn từ phía các cơ sở đào tạo.

Theo kế hoạch, mỗi ngày Phòng CSGT sẽ tổ chức từ 5 - 7 hội đồng thi. Mỗi hội đồng đáp ứng khoảng 250 - 350 học viên sát hạch lái xe ô tô và từ 300 - 500 học viên sát hạch mô tô, tương đương từ 2.000 - 3.000 học viên một ngày.

Chú thích ảnh
Thí sinh N.V.C khởi động phần thi sát hạch sa hình B1.

Tuy nhiên, khi thực hiện thành lập các hội đồng thi lại gặp khó khăn do nhiều cơ sở đào tạo chưa lập được danh sách học viên đủ số lượng tối thiểu theo kế hoạch. Một số hội đồng chỉ có dưới 200 học viên đăng ký thi, khá thấp so với kỳ vọng và năng lực tổ chức hiện có.

Ghi nhận tại Trung tâm sát hạch lái xe của Công ty cổ phần vận tải ô tô số 2 (136 Sài Đồng, Long Biên) cho thấy, để tổ chức được hội đồng với hơn 300 học viên dự sát hạch, trung tâm gặp khá nhiều khó khăn.

Bà Tạ Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe của Công ty cổ phần vận tải ô tô số 2, cho biết: “Chúng tôi có thể sát hạch từ 300 đến 400 học viên mỗi ngày, toàn bộ công tác chuẩn bị đã đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên trung tâm lại gặp khó khăn trong việc lập danh sách học viên, nguyên nhân một phần do nhiều học viên chưa sẵn sàng tâm lý dự thi. Thời gian giữa lúc học xong và được thông báo thi kéo dài khiến thí sinh mất tự tin, có người còn xin thi đợt sau vì đi du lịch, bận việc gia đình hoặc chưa ôn kịp lý thuyết”.

Đồng tình với nhận định này, ông Trần Quang Huy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Thái An – chia sẻ: “Sau khi được thông báo kế hoạch thi, chúng tôi chủ động lập danh sách và gọi điện cho từng học viên. Nhưng người thì báo không thể có mặt theo lịch, người lại đề nghị lùi lịch để ôn luyện thêm, khiến danh sách sát hạch không đủ số lượng như mong muốn”.

Chú thích ảnh
Không khí tại khu vực đăng ký sát hạch lái xe vắng vẻ hơn so với cùng kỳ mọi năm.
Chú thích ảnh
Nhiều thí sinh cho rằng, thi sa hình - đặc biệt là thi bằng lái xe B2, ngày càng khó hơn. 
Chú thích ảnh
 Thời gian thi thực hành trên sa hình đã rút ngắn, từ 20 phút xuống còn 15 phút, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng lái xe nhanh và chính xác hơn. 
Chú thích ảnh
Phòng CSGT Hà Nội tổ chức và giám sát các kỳ sát hạch lái xe; thành lập hội đồng sát hạch, tổ chức thi và đảm bảo quá trình sát hạch diễn ra đúng quy trình, khách quan và minh bạch.
Chú thích ảnh
Học viên thực hiện phần thi dừng xe và khởi hành ngang dốc - một trong những phần thi dễ trượt.
Chú thích ảnh
Phần thi sa hình trong kỳ thi sát hạch lái xe ô tô bao gồm 11 bài thi liên hoàn, được thiết kế để kiểm tra khả năng điều khiển xe, kỹ năng xử lý tình huống và tuân thủ luật giao thông của thí sinh.
Chú thích ảnh
Các bài thi này bao gồm: Xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng xe và khởi hành ngang dốc, qua vệt bánh xe và đường hẹp vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu, đường vòng quanh co, ghép xe dọc, tạm dừng ở nơi có đường sắt, thay đổi số trên đường bằng, ghép xe ngang và kết thúc. 
Chú thích ảnh
Một số quy định khác khi thi sa hình như: Không được phép đè lên vạch kẻ đường; Giữ động cơ hoạt động liên tục và không quá 4000 vòng/phút; Tốc độ xe không vượt quá quy định (ví dụ, không quá 24 km/h đối với hạng B, D và không quá 20 km/h đối với hạng C, E); Phải đạt tối thiểu 80/100 điểm để đạt yêu cầu phần thi sa hình. 
Chú thích ảnh
Theo bà Tạ Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe của Công ty cổ phần vận tải ô tô số 2, năng lực của trung tâm có thể sát hạch từ 300 đến 400 học viên mỗi ngày.
Chú thích ảnh
Nhưng thực tế, nhiều học viên dù đã ôn luyện từ lâu, vẫn chưa sẵn sàng tham dự thi vì tâm lý lo lắng.
Chú thích ảnh
Cán bộ sát hạch kiểm tra danh sách học viên trước giờ thi.
Chú thích ảnh
Gương mặt rạng rỡ của thí sinh khi vừa kết thúc bài thi sát hạch sa hình B1.
Chú thích ảnh
Thí sinh Nguyễn Uyển Nhi (phường Kiến Hưng, Hà Đông) thi đỗ sát hạch vào chiều 18/7/2025.
Chú thích ảnh
Chị Vũ Thị Thủy (xã Phù Đổng, Hà Nội) cho biết, do tâm lý lo lắng nên đã thi trượt phần thi mô phỏng.
Chú thích ảnh
Các cơ sở đào tạo sát hạch kỳ vọng lượng thí sinh sẽ tăng trở lại trong tháng 8 tới.

Thực tế cũng ghi nhận tâm lý chờ đợi, “nghe ngóng” của một bộ phận học viên khi công tác sát hạch được chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây Dựng) sang Bộ Công an. Chị Nguyễn Uyển Nhi (phường Kiến Hưng) cho biết: “Tôi khá lo lắng về phần thực hành. Tôi xin lùi lịch hai tuần để bổ túc, hôm nay mới đủ tự tin thi”.

Một thí sinh khác (53 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) chia sẻ: “Tôi muốn có GPLX sớm để phục vụ công việc nhưng vẫn muốn chờ xem các kỳ thi đầu do CSGT tổ chức diễn ra thế nào. Tôi tranh thủ ôn lại cả lý thuyết lẫn tay lái”. Tương tự, chị Thu Hiền (phường Nghĩa Đô) cho rằng: “Tôi xin lùi sang tháng 8 vì thấy nhiều người trượt, mà bản thân cũng bị mai một kiến thức. Thi ngay thì chắc chắn không đạt”.

Từ thực tế này, ông Trần Quang Huy cho biết, Trung tâm Thái An đã yêu cầu giáo viên tăng cường bổ túc, hỗ trợ ôn tập cho học viên đủ điều kiện, hạn chế việc tồn đọng do thí sinh e ngại thi sớm.

Về phía Phòng CSGT, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và thí sinh, đơn vị đã công khai lịch tổ chức sát hạch hằng tuần, trong đó ghi rõ thời gian, loại hình sát hạch. Việc công bố lịch giúp các đơn vị chủ động đăng ký, gửi danh sách học viên đủ điều kiện dự thi đúng tiến độ, đồng thời bảo đảm năng lực tổ chức sát hạch được khai thác hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc