10:10 30/10/2017

Hà Nội ‘mở toang’ cánh cửa cho nông nghiệp công nghệ cao

Cuộc “Tọa đàm xúc tiến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội”, do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và Sở với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp tổ chức vừa qua; đã một lần nữa khẳng định hướng phát triển tương lai của Hà Nội: Đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tọa đàm xúc tiến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội” là  một sự khẳng định hướng phát triển tương lai của Hà Nội: Đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong lời phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) khẳng định: Cuộc toạ đàm nhằm mang đến những thông tin, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội; Giới thiệu về kinh nghiệm áp dụng thành công trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Tổng hợp các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Nội để thông tin tới các cấp thẩm quyền tiếp tục đánh giá, tổng kết, điều chỉnh cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư phù hợp với thực tiễn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các hộ nông dân cá thể khi tham gia chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.


“UBND thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song việc tổ chức đầu tư cần phải có sự hưởng ứng tích cực và nỗ lực rất cao của các tổ chức, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các hộ nông dân cá thể, cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Vì vậy, với tọa đàm lần này, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng vì sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp của chính mình để tích cực tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực sản xuất trong ngành nông nghiệp để đưa thành phố Hà Nội trở thành một thành phố của nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, tăng giá trị nông sản và hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra thị trường quốc tế”, ông Trần Gia Phương nhấn mạnh.


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thủ đô hiện chưa có các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mới chỉ có hai dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện.


Toàn thành phố mới có 5 cơ sở nuôi lợn giống ông bà, 3 cơ sở sản xuất giống cây trồng, 160 trang tại chăn nuôi lợn, 254 trại chăn nuôi gà và 7 cơ sở chế, biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao.


Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong canh tác hoa, rau màu, cây ăn quả... bước đầu mới ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu và mới quy mô nhỏ. Cụ thể, lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; chăn nuôi 33,5%; thủy sản 13%.

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ là "trọng điểm" phát triển của Hà Nội.

Tuy hiện tại là như vậy, nhưng quyết tâm của Thủ đô với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn. Cụ thể, kế hoạch của Thủ đô là đến năm 2020 đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Yên Nghĩa, quận Hà Đông), Trung tâm giống thủy sản công nghệ cao (xã Trần Phú- Chương Mỹ), Trạm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng công nghệ cao (xã Hòa Bình- Thường Tín), Trạm thụ tinh nhân tạo sản xuất tinh bò chất lượng cao, tinh bò phân ly giới tính và tinh dịch lợn cao sản. Bên cạnh đó, phấn đấu có 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận,


Về phát triển sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao đạt 460 ha; tỷ trọng giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm 15 - 20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả trên toàn thành phố.


Với lĩnh vực phát triển sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đạt 250 ha; tỷ trọng giá trị sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao chiếm 35-40% tổng giá trị sản xuất chè toàn thành phố.


Về phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2020 có một số cơ sở sản xuất giống, sản lượng đạt 500 triêu con cá bột/năm; 350 ha nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, năng suất đạt 20-25 tấn/ha; cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm thủy sản, công suất 20 tấn/tháng; giá trị sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 10% giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn thành phố.


Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. 


Nghị quyết nêu rõ, trong giai đoạn 2016 – 2020, đối với vùng nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu ôxy vùng nước nuôi trồng thủy sản, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. 


Về hỗ trợ đào tạo nghề, trỉển khai kế hoạch hỗ trợ những lao động trực tiếp có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, trong độ tuổi lao động theo quy định, có trình độ trung học cơ sở trở lên, có nhu cầu bồi dưỡng về công nghệ cao trong nông nghiệp. Mỗi lao động được hỗ trợ một lần bằng 100% học phí đào tạo nghề và tiền tài liệu, tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.


Bên cạnh đó, triển khai hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư giống cây trồng, thủy sản, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ về đầu tư phát triển sản xuất. Tong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% phí quản lý (nếu vay vốn Quỹ khuyến nông Thành phố) và hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN & PTNT chi nhánh thành phố Hà Nội, thời hạn vay tối đa là 36 tháng. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ về phí quản lý, lãi suất vốn vay cho 1 dự án/phương án, tổng mức vốn vay được tính hỗ trợ tối đa không quá 50 tỷ đồng/dự án, phương án.


Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn; ngoài các chính sách được hưởng theo quy định tại Nghị quyết này, được hỗ trợ thêm 30% chi phí hạng mục đầu tư thiết bị công nghệ mới, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình sản xuất trồng trọt, thủy sản; 500 triệu đồng/mô hình đối với chăn nuôi, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.


Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, thành phố cũng đã có những sự hỗ trợ về mặt quảng bá, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối và hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, hàng năm tổ chức thành công “Hội chợ Thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn và hoa, cây cảnh Xuân”, tham gia các hội chợ trong nước và Quốc tế.


Thời gian qua, các đơn vị chức năng cũng đã tích cực tổ chức các hoạt động giới thiệu nông nghiệp của Hà Nội đi các tỉnh, thành phố để kết nối giao thương tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức các tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại Hà Nội; tổ chức Hội thảo về nhận diện sản phẩm an toàn; xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.


PT/ Báo Tin tức