11:11 06/11/2021

Hà Nội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19” diễn ra sáng 6/11, lãnh đạo Hà Nội khẳng định: "Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số... nhằm thiết lập nền tảng phát triển và phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8,0% của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Doanh nghiệp gặp khó do đại dịch

Thời gian qua, suốt hành trình hơn 2 năm "sống chung cùng COVID-19", đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo Hà Nội cũng đã luôn thể hiện sự đồng hành của mình cùng với doanh nghiệp, bằng những chính sách, văn bản gỡ khó, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả.

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gặp một số khó khăn như các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn Thành phố cũng như trong cả nước; Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động; Thiếu nguồn cung lao động (lao động về quê, lao động vướng trông trẻ và việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất); Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19...

Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10/2021 do Cục Thuế Thành phố Hà Nội thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Liên tục có quyết sách đồng hành

Trước tình hình này,  lãnh đạo Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc, chung sức cùng doanh nghiệp vượt khó.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố; các nghị quyết của Chính phủ: số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 1/11/2021 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 và 2023.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp tham gia Hội nghị.

Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thứ hai là bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Và cuối cùng, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển; Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8,0%.

Trong đó có 6 nhóm giải pháp cần tập trung. Đó là:

Kiểm soát dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, trong đó ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Tiêm vaccine phòng COVID-19, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và triển khai tiêm vaccine cho trẻ em.

Duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả; tăng tốc trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh hoạt động xây dựng, trong đó, thành lập và tăng cường hoạt động các Tổ công tác; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

Phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và kế hoạch phục hồi các chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa và các hoạt động thương mại, dịch vụ, logistics; tăng cường thương mại điện tử; đảm bảo bình ổn thị trường; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trên địa bàn... thích ứng an toàn với dịch COVID-19…

Hỗ trợ thủ tục hành chính, Thành phố đã thành lập: “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thành phố Hà Nội”, “Tổ công tác của Thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19”. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công...

Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực, trong đó: Thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh theo các quy định của Chính phủ: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Thành phố cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ như:  Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 và Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, Thành phố đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2018-2020 tổng diện tích 758 ha; Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ, trong đó ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ…; Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, cho vay các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố; Chương trình tín dụng chính sách đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ vay vốn các đối tượng HTX và thành viên HTX chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX...; Hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 15/8/2021 của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực HĐND Thành phố...

Cùng với đó, UBND Thành phố đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 về việc phân bổ lãi thu từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố quý IV/2020 để giải quyết việc làm với số tiền hơn 61 tỷ đồng; Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 về việc bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội và phân bổ nguồn vốn cho vay đổi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố năm 2021 để giải quyết việc làm với số tiền khoảng hơn 63 tỷ đồng; Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách Thành phổ ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố năm 2021 (đợt 2) với số tiền khoảng hơn 1.606 tỷ đồng. Giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố với số tiền là 1.282 tỷ đồng, tạo việc làm cho 28.500 lao động.

UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Đã quyết định hỗ trợ với kinh phí 314,241 tỷ đồng (trong đó, đã hỗ trợ cho 1,560 triệu lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 273,888 tỷ đồng cho 11/12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP). UBND Thành phố đã báo cáo Thường trực HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết: số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 8 nhóm đối tượng; số 17/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội; đến nay, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ 282.612 người thuộc 03 nhóm đối tượng: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,612 tỷ đồng (trong đó, đã chi cho 282.227 người, hộ gia đình với số tiền 282,227 tỷ đồng).

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, trị giá 3,431 tỷ đồng.

Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Thành phố dự kiến tiếp tục bổ sung 1.000 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người lao động vay phục hồi sản xuất, kinh doanh trong quý IV và thời gian tiếp theo.

"Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số... nhằm thiết lập nền tảng phát triển và phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8,0% của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", lãnh đạo thành phố chia sẻ.

Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung
Xuân Cường/ báo Tin tức