12:17 05/12/2022

Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không

“Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không” là chủ đề của trưng bày tài liệu lưu trữ do Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội, Chi cục Văn thư - Lưu trữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức ngày 5/12. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022).

Chú thích ảnh
Máy bay Mic 21 (số hiệu 5033) của Bộ đội không quân Việt Nam sử dụng bảo vệ Hà Nội, bắn rơi 3 máy bay F4 của Mỹ năm 1972. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trưng bày giới thiệu 84 tài liệu lưu trữ, tư liệu hình ảnh, hiện vật có giá trị về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội diễn ra trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bảo tàng Hà Nội và Thông tấn xã Việt Nam.

Các tài liệu, hình ảnh thể hiện sự tài tình trong đường lối của Đảng, Chính phủ và chính quyền nhân dân Hà Nội; tái hiện hình ảnh quân dân miền Bắc nói chung, quân dân Hà Nội nói riêng đã không hề nao núng, chiến đấu anh dũng, phá tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đối với miền Bắc và chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; giúp công chúng có được góc nhìn xuyên suốt, toàn diện hơn về mức độ khốc liệt và chiến thắng hào hùng của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Trưng bày "Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” được chia làm 3 phần. Phần 1 có chủ đề “Hà Nội sẵn sàng chiến đấu”, giới thiệu những tài liệu, tư liệu hình ảnh, hiện vật về Hà Nội sơ tán nhân dân và tài sản của các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học ra khỏi nội thành trong thời gian ngắn; xây dựng hệ thống hầm hào vững chắc; mạng lưới y tế và lực lượng cứu thương, cứu hỏa... để chuẩn bị chiến đấu chống kẻ thù xâm lược bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Phần 2 có chủ đề “Hà Nội - 12 ngày đêm lịch sử”, giới thiệu những tài liệu, tư liệu hình ảnh, hiện vật về sự tàn phá của chiến tranh và quyết tâm kháng chiến của quân dân Thủ đô trong 12 ngày đêm, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu anh dũng bảo vệ bầu trời Hà Nội.

“Hà Nội - Vang bài ca chiến thắng” là chủ đề của phần 3, với những tài liệu, tư liệu hình ảnh về Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội sau khi nước nhà được thống nhất.

Qua việc trưng bày chuyên đề này, Ban Tổ chức mong muốn góp phần thiết thực vào việc tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng, thiêng liêng của dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Chú thích ảnh
Tên lửa bảo vệ bầu trời Hà Nội ký hiệu Sam - 2 đất đối không trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tại buổi trưng bày, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân và Đại tá Nguyễn Đình Kiên đã chia sẻ những kỷ niệm hào hùng về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Thủ đô.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, từ năm 1967, bộ đội Không quân đã tập để đánh B-52. Mỗi B-52 mang trên mình 15 máy gây nhiễu tích cực và hai máy gây nhiễu tiêu cực, đạn nhiễu bay kín bầu trời. Chúng đánh vào ban đêm nên những trận đầu tiên đánh B-52 vô cùng khó khăn. Từ ngày 18 - 24/12, lực lượng Không quân không bắn được chiếc nào.

“Kéo lên nhìn thấy B-52, F4 lại xông vào đuổi bắn mình, địch hàng chục, hàng trăm chiếc, trong khi mình chỉ 1-2 chiếc nên không thể vượt qua được hàng rào của địch, dẫn đường ra đa cũng không thể dẫn đến để tiếp cận B-52 được. Máy bay chúng tôi khi tiếp cận B-52 đều phải tăng lực, khi bật tăng lực là chúng ta bộc lộ mục tiêu, là địch xông vào bắn mình. Tôi đã không biết bao lần phải tránh tên lửa, máy bay của địch bám đuổi”, Trung tướng Phạm Tuân kể.

Ông cho biết, trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi chiến thuật: điều một đại đội ra đa vào thành lập sở chỉ huy mới ở Thanh Hóa, điều sỹ quan dẫn đường từ Hà Nội lên Mộc Châu cùng Sở Chỉ huy ở Mộc Châu thành lập Sở Chỉ huy thứ hai ở đây, và chúng ta không đánh đằng trước mà dạt sang hai cạnh sườn để giảm gây nhiễu. Phi công không cất cánh ở sân bay Gia Lâm mà đưa máy bay lên Yên Bái. Không quân đánh không dùng ra đa mà “phát hiện bằng mắt, và bằng đèn để đánh, rất nguy hiểm. Tốc độ 1.500 km/giờ, đèn thì con con, làm sao phi công biết được cự ly như thế nào, không cẩn thận là đâm vào nó. Đồng thời, phát hiện được nó không phải là dễ”.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan xác máy bay B-52 tại bảo tàng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Kể về trận đánh ngày 27/12, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ “hồi hộp vô cùng, không phải lo máy bay nó bắn mình, mà chỉ sợ nó tắt mất đèn”. Ông lý giải, trận đầu tiên ông điều khiển máy bay bay lên, B-52 phát hiện bị bám đuôi nên tắt đèn chạy mất. Vì vậy, trận này ông tăng tốc độ hết sức, khoảng 1.500 - 1.600 km/giờ và bám đuổi, mắt chăm chú theo dõi, tay đặt lên nút bấm sẵn sàng bắn nếu địch tắt đèn. Vào cự ly 4km, Sở Chỉ huy cho phép bắn, nhưng ông vẫn muốn chờ. Và cho đến khẩu lệnh lần thứ 3, lúc đó, ông phóng hai quả tên lửa và bắn trúng máy bay B-52.

“Tôi bay về sân bay Yên Bái hạ cánh, hai chiếc F4 đuổi theo. Tôi vừa tiếp xuống đất, nó cũng bay qua lưng. Nếu mình chậm một chút nữa, chắc nó cũng bắn rơi mình ở khu vực sân bay. Xuống sân bay, tôi tắt đèn, nó không nhìn thấy nên bay đi”, vị Trung tướng Anh hùng nói.

Theo ông, sau 8 ngày không đánh được, chúng ta đã kịp thời rút kinh nghiệm và chính sáng tạo đó đã tạo nên cơ hội để chúng ta đánh B-52.

Đối với lực lượng Bộ đội tên lửa, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Đình Kiên tự hào, dự báo trước được chiến lược, rút kinh nghiệm chiến đấu và tận dụng được tính năng vũ khí, khí tài nên bộ đội tên lửa bước vào chiến đấu rất tự tin, bởi khí tài có thể đánh được, kinh nghiệm có, trình độ bộ đội được nâng cao. Nhờ đó, trong 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa đã bắn rơi tại chỗ 16 chiếc B-52 tại Hà Nội, trong đó, riêng tiểu đoàn của ông đã đánh 21 trận, bắn rơi 4 máy bay B-52, là một trong hai tiểu đoàn tên lửa bắn rơi B-52 nhiều nhất.

Chú thích ảnh
Xác máy bay B-52 được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cách đây tròn 50 năm, vào cuối tháng 12 năm 1972, quân, dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận và bộ đội Phòng không - Không quân đã làm nên một chiến tích kỳ diệu: Đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử, chủ yếu bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước; tạo bước ngoặt quyết định để quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút”, tiến đến “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 1.400 lượt máy bay, ném hơn 10.000 tấn bom tàn phá 8.000 ngôi nhà, 9.000 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 100.000 m2 diện tích bị phá hủy, diện tích rải bom đạn là 17 km. Chính quyền Mỹ cho rằng, loại vũ khí chiến lược như “siêu pháo đài bay" B-52, có thể ép được chúng ta ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.

Cũng trong 12 ngày đêm ấy, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 23 chiếc B52 và 2 chiếc F111, bắt sống 43 giặc lái. Đây là tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không lớn của quân đội Mỹ. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã hoàn toàn bị đánh bại. Chính vì sự tổn thất quá lớn của đế quốc Mỹ và chiến thắng vang dội của Việt Nam mà thắng lợi này của Việt Nam được thế giới ca ngợi là trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Đã 50 năm trôi qua, nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được đánh giá là một trong 10 chiến thắng vĩ đại nhất lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, là sự tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Sự tàn khốc của cuộc chiến năm ấy đã qua đi nhưng tầm vóc và ý nghĩa chiến thắng vang dội của 12 ngày đêm rực lửa vẫn còn vẹn nguyên, âm vang mãi.

Chu Thanh Vân (TTXVN)