08:06 06/08/2012

Hà Nội kiến nghị sửa đổi một số nội dung về thu hồi đất

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ - CP của Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các quy định của thành phố Hà Nội trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Nghị định này

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ - CP của Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các quy định của thành phố Hà Nội trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Nghị định này, nhiều nội dung cơ bản của Nghị định đã phát huy được hiệu quả, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi đất xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định 69/2009/NĐ - CP cũng đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế, bất cập cần được bổ sung, điều chỉnh và làm rõ.

 

Bảo đảm quyền lợi của dân


UBND thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 1/10/2009 đến 30/6/2012, Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 523 dự án với diện tích 1.372 ha. Thành phố đã thực hiện việc giải phóng mặt bằng (GPMB) (gồm cả dự án chuyển tiếp đang thực hiện dở dang khi ban hành Nghị định 69) được trên 3.708 ha đất; chi trả hơn 24.604 tỉ đồng tiền bồi thường; hỗ trợ cho 83.893 hộ dân, tái định cư cho 3.414 hộ gia đình, cá nhân... Theo đó, giá đất làm căn cứ bồi thường hỗ trợ đã được vận hành theo hướng linh hoạt và từng bước tiếp cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm thu hồi đất. Cụ thể, thành phố đã chấp thuận điều chỉnh giá tính bồi thường về đất với hệ số k >1 so với khung giá đất quy định hàng năm (cá biệt có những vị trí được điều chỉnh tăng 2,85 lần). Các chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định 69 đã được quy định cụ thể và quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.

 

Thành phố đã áp dụng các mức hỗ trợ tối đa để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn ở Thủ đô; đồng thời vận dụng quy định về hỗ trợ khác để chủ động tháo gỡ vướng mắc đối với các trường hợp đặc thù. Cũng theo Nghị định này, thành phố đã có cơ sở để giải quyết linh hoạt hơn về các chính sách tái định cư; xử lý, bố trí tái định cư được nhiều trường hợp có khó khăn về chỗ ở do có nhiều hộ gia đình, nhiều thế hệ; trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không còn nhà, đất nào khác trên địa bàn xã, phường nơi bị thu hồi đất.

 

Còn một số bất cập


Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP cho thấy vẫn còn một số vấn đề hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để đề xuất bổ sung, điều chỉnh và làm rõ.


Cụ thể, về thời điểm điều chỉnh giá đất (Điều 11, Nghị định 69/2009/NĐ-CP) quy định việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện sau khi đã ban hành thông báo thu hồi đất. Nhưng thực tế, ngay từ khi tuyên truyền, vận động, tổ chức điều tra, các hộ dân đều muốn biết về giá bồi thường và các chính sách liên quan khác, trong khi thời điểm xác định giá đất được thực hiện tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất luôn ở thời điểm sau khi thông báo thu hồi đất. Do đó, khi tổ chức điều tra, lập phương án nhiều trường hợp công dân không cho vào điều tra, gây cản trở công tác GPMB và đòi hỏi phải được công bố giá đất bồi thường, hỗ trợ trước.


Về xác định mức giá (theo quy định tại khoản 1, Điều 11), giá bồi thường phải sát với giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường. Song, quy định trình tự, thủ tục để xác định được mức giá đảm bảo nguyên tắc này chưa đủ căn cứ pháp lý để UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện, giải quyết khiếu kiện về mức giá và giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra pháp luật. Đối với quy định về hỗ trợ ổn định đời sống với hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp (theo Điều 20) tính theo tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng bị thu hồi từ 30-70% và trên 70% là rất phức tạp và mất nhiều thời gian để xác định rõ theo các tỉ lệ này. Đặc biệt, với dự án có diện tích thu hồi đất lớn có liên quan đến hàng nghìn hộ dân.


Tương tự, theo quy định về điều kiện bố trí tái định cư: Hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư nếu phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở và không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi. Thực tế, việc xác nhận thế nào là “phải di chuyển chỗ ở” đối với trường hợp chủ sử dụng đất hợp pháp (đã được cấp “sổ đỏ”) hiện còn bất cập. Do thực tế công dân có quyền có nhiều nhà ở; có quyền sử dụng đúng mục đích để ở thường xuyên, không thường xuyên và ở bất kỳ thời điểm nào khi Nhà nước chưa thu hồi đất. Mặt khác, trên địa bàn thành phố có nhiều trường hợp hộ gia đình có nhà ở hợp pháp, có khả năng thương mại, nhưng cho thuê và đi thuê nhà khác ở để hưởng chênh lệch. Nếu căn cứ thông tư mà không bố trí tái định cư thì thiệt thòi cho dân...


Cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung


Để đảm bảo việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố được tiến hành thuận lợi trên nguyên tắc đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình GPMB, công khai, công bằng, dân chủ và đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan trong Nghị định 69/NĐ-CP.


UBND thành phố Hà Nội cho rằng, quy định phải khẳng định rõ tính pháp lý của thông báo thu hồi đất là căn cứ để UBND cấp huyện tổ chức thực hiện các công việc họp dân, thông báo về cơ chế chính sách bồi thường hỗ trợ GPMB sẽ áp dụng, tổ chức điều tra, kê khai, đề xuất xem xét điều chỉnh chính sách giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ (kể cả trường hợp phải áp dụng biện pháp hành chính kiên quyết trong việc điều tra, kiểm đếm hiện trạng). Theo đó, thời điểm xác định lại giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ là thời điểm sau khi có thông báo thu hồi đất của UBND quận, huyện, thị xã và khi có kiến nghị của nhân dân trong quá trình điều tra, kiểm đếm, dự thảo phương án. Đồng thời, Nghị định cần có hướng dẫn và quy định cụ thể về các tiêu chí và quy trình, thủ tục tổ chức thực hiện xác định lại giá đất sát giá thị trường trong điều kiện bình thường.


Hà Nội cũng kiến nghị có quy định hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất khi thu hồi đất nông nghiệp theo diện tích đất thu hồi. Đối với trường hợp thu hồi nhà, đất tại dự án đủ điều kiện được bồi thường theo giá đất ở, nếu bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở (hoặc thu hồi một phần, nhưng phần còn lại không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở) và có nguyện vọng thì được bố trí tái định cư mà không phải xem xét việc có phải di chuyển chỗ ở hay không phải di chuyển chỗ ở.
UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Hà Nội vận dụng Điều 21 và Điều 30 Nghị định số 105/2009 của Chính phủ để xử phạt hành chính, áp dụng các biện pháp hành chính cưỡng chế điều tra, khảo sát thống kê về nhà, đất, tài sản làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với những trường hợp không kê khai, không cho cơ quan chức năng kiểm tra. Đây chính là điểm “ách tắc” tại một số dự án của thành phố Hà Nội hiện nay, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Do vậy, Hà Nội đề xuất cho phép thành phố ban hành thủ tục cưỡng chế thu hồi đất (thực hiện Điều 32, Nghị định 69/NĐ-CP).

 

Minh Nghĩa