04:12 07/04/2020

Hà Nội: Kiến nghị hỗ trợ lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên ngoài công lập

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nhà trường và các nhà giáo ổn định cuộc sống, yên tâm công tác do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã kiến nghị thành phố Hà Nội hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên ngoài công lập, đặc biệt là những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà, con nhỏ, sức khỏe yếu.

Chú thích ảnh
Trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) triển khai dạy học online cho học sinh trong những ngày nghỉ học do dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh cho các đơn vị nhà trường; miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020; đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ để giảm tiền thuê nhà cho giáo viên có khó khăn về nhà ở.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập được vay ưu đãi lãi suất 0% với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác; miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020.

Theo số liệu tổng hợp của Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập các cấp học từ Mầm non tới Trung học Phổ thông với 45.842 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó, có 1.341 trường, nhóm trẻ không hỗ trợ lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cụ thể, khối các trường Mầm non, có 83 trường hỗ trợ 100% lương, 120 trường hỗ trợ 50% lương, 113 trường hỗ trợ một phần lương và 42 trường không hỗ trợ lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Trong các nhóm trẻ, 169 nhóm hỗ trợ 100% lương, 351 nhóm hỗ trợ 50% lương, 913 nhóm hỗ trợ một phần lương và 1.263 nhóm trẻ không hỗ trợ lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cấp Tiểu học có 13 trường hỗ trợ 100% lương, 7 trường hỗ trợ 50% lương, 25 trường hỗ trợ một phần lương và 1 trường không hỗ trợ lương.

Cấp Trung học cơ sở có 6 trường hỗ trợ 100% lương, 4 trường hỗ trợ 50% lương, 12 trường hỗ trợ một phần lương.

Cấp Trung học phổ thông có 20 trường hỗ trợ 100% lương, 26 trường hỗ trợ 50% lương, 51 trường hỗ trợ một phần lương và 8 trường không hỗ trợ lương.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các giáo viên, nhân viên tại các trường ngoài công lập và nhóm trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, phải kiếm việc làm thêm mang tính thời vụ với thu nhập thấp và bấp bênh. Nhiều người tìm việc làm thêm cũng gặp khó khăn, có người phải làm giúp việc theo giờ, bán hàng trực tuyến hay tạm thời về quê. Nhiều giáo viên mầm non làm việc tại các nhóm trẻ không được hỗ trợ lương, không thể tìm được việc làm để khắc phục khó khăn trong thời điểm dịch bệnh diễn ra.

Một số giáo viên Mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Long Biên cho biết, trước đây được trả lương 5 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó, ngoài thời gian làm việc ở trường, các giáo viên này còn phải làm thêm giúp việc gia đình vào buổi tối để trang trải cuộc sống. Nhưng từ tháng 2, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ, trường tạm dừng hoạt động, trường cũng không hỗ trợ lương khiến cuộc sống của các họ càng khó khăn hơn.

“Tôi được nhà trường hỗ trợ một phần lương nhưng vẫn cảm thấy khó khăn. Thời gian đầu còn cố gắng sắp xếp cuộc sống chờ ngày học sinh đi học trở lại, nhưng đến nay tôi đã phải bán hàng trực tuyến để kiếm thêm thu nhập. Nhiều giáo viên hợp đồng trong trường tôi cũng phải tìm cách để kiếm tiền, duy trì cuộc sống. Mong rằng thành phố sẽ có giải pháp để hỗ trợ ngành Giáo dục vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Phạm Minh Hoa, nhân viên kế toán một trường Mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy bày tỏ mong muốn.

Nguyễn Cúc (TTXVN)