09:09 13/09/2021

Hà Nội hướng dẫn tổ chức giao thông vận tải đường thủy 

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 9650/VP - ĐT về việc thực hiện Hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn hướng dẫn tổ chức giao thông vận tải đường thủy. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức thực hiện quyết định nêu trên của Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo an toàn kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; tham mưu báo cáo UBND thành phố các vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó ban hành kèm theo Quyết định số 1588/QĐ - BGTVT ngày 27/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch COVID - 19 yêu cầu đối với phương tiện phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID- 19 trước, trong và sau khi hoạt động vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Về thuyền viên, người lái phương tiện phải đáp ứng các điều kiện làm việc trên phương tiện theo quy định của pháp luật, phải khai bảo y tế thông qua phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn ... và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định 5K của Bộ Y tế. Luôn cài đặt và bật ứng dụng Bluezone để cảnh báo tiếp xúc gần với người nhiễm COVID- 19. Trước, trong và sau quá trình vận chuyển hàng hóa thuyền viên, người lái phương tiện phải tự theo dõi nhiệt độ và sức khỏe hàng ngày, nếu có ho, sốt, khó thở, mệt mỏi thì thông báo ngay cho đơn vị quản lý (chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải) và cơ quan y tế để xử lý kịp thời; phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc bằng phương pháp RT - PCR) được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm.

Trong thời gian hành trình trên tuyến (từ khi rời cảng bến cuối cùng đến khi cập cảng, bến gần nhất). Nếu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hết hiệu lực thì được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Về hàng hóa vận chuyển, việc vận chuyển hàng hóa phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải đảm bảo an toàn phòng dịch trước khi được vận chuyển. 

Đối với tổ chức giao thông và kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải trong thời gian phòng, chống dịch, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đảm bảo hệ thống báo hiệu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, thực hiện công tác điều tiết hướng dẫn giao thông tại các vị trí trọng yếu để đảm bảo giao thông đường thủy nội địa được thông suốt, an toàn.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi, xem xét cho phép một số cảng, bến thủy nội địa hàng hóa đã đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch được hoạt động để vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa được thông suốt, phục vụ cho đời sống của người dân và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để bố trí thực hiện xét nghiệm nhanh COVID- 19 tại cảng, bến thủy nội địa, tại các chốt kiểm soát trên đường thủy (nếu có) hoặc bố trí phương tiện xét nghiệm lưu động để tăng cường hiệu quả kiểm soát dịch và hỗ trợ hoạt động vận tải được thông suốt. Công bố, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vị trí chốt kiểm soát trên đường thủy nội địa. Thông tin công bố phải bao gồm: vị trí chốt, các loại giấy tờ phải xuất trình, điều kiện để được lưu thông qua chốt, thông tin liên hệ tại chốt kiểm soát dịch, để thuyền viên , người lái phương tiện chủ động và chuẩn bị trước khi hành trình.

Đối với kiểm soát dịch, trường hợp thuyền viên, người lái phương tiện xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và đã khai báo y tế đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền địa phương thì cho phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát dịch. Còn nếu thuyền viên, người lái phương tiện không xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì thực hiện nghiệm theo yêu cầu của cơ quan Y tế thực hiện test nhanh tại chỗ hoặc tiếp tục hướng dẫn và xử lý theo quy định về phòng chống dịch. Nếu phát hiện thuyền viên, người lái phương tiện dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định...

Tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID - 19 trên tuyến đường thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian phương tiện hành trình trên tuyến, nếu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.hết hiệu lực, thì tổ chức test nhanh cho thuyền viên, người lái phương tiện. Trường hợp không có test nhanh tại chỗ hoặc test nhanh lưu động thì được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Trong thời gian lưu tại cảng, bến thủy nội địa, thì thuyền viên, người lái phương tiện không được lên bờ, trừ trường hợp bất khả kháng liên quan đến cấp cứu, an toàn cho phương tiện và do điều kiện thời tiết như bão, lũ ...; thực hiện thủ tục vào, rời cảng bến thông qua người được ủy quyền để hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Trường hợp không có người ủy quyền làm thủ tục cảng vụ thì cử 1 thuyền viên lên làm thủ tục cảng vụ, người lên bờ làm thủ tục phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 (mặc bộ quần áo chống dịch, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn 1,5-2m khi tiếp xúc, thường xuyên sát khuẩn tay... , thải bỏ ẩu trang, bộ quần áo chống dịch tại nơi quy định khi quay trở lại phương tiện. Thuyền viên, người lái phương tiện thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trên, áp dụng các quy định hiện hành của Bộ Y tế, không bị cách ly khi trở về địa phương, nhưng phải tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày và kịp thời báo ngay cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế địa phương khi có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.

Tuyết Mai (TTXVN)