04:07 12/04/2015

Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son

Chương trình cầu truyền hình đặc biệt “Hà Nội – Huế - TP Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son” đã được tổ chức tại ba điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Cột cờ Hà Nội, Quảng trường Ngọ Môn (Huế) và Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), kỷ niệm 55 năm Lễ kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế - Sài Gòn, tối 11/4, chương trình cầu truyền hình đặc biệt “Hà Nội – Huế - Thành phố Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son” do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế thực hiện, đã được tổ chức tại ba điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Cột cờ Hà Nội, Quảng trường Ngọ Môn (Huế) và Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Biểu diễn nghệ thuật tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN


Đây là một trong những sự kiện đặc biệt nhằm ôn lại chặng đường đã qua giữa 3 miền Bắc – Trung – Nam, tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung giữa ba thành phố kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. 

Đến dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước cùng sự tham dự của đông đảo đồng bào, đồng chí, các mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng Lực lượng vũ trang, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, cựu chiến binh, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài… 

Đất nước Việt Nam đã trải qua thời kỳ lịch sử bị xâm lược bởi thực dân, đế quốc, tuy vậy tình cảm đồng bào, đồng chí, tình anh em không thể chia cắt được lòng dân của hai miền Nam - Bắc, không lay chuyển được tấm lòng thủy chung trước sau như một của Hà Nội – Huế - Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). 

Năm 1960, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra lễ kết nghĩa ba thành phố Hà Nội – Huế - Sài Gòn, nhân dân Huế đã tặng nhân dân Hà Nội, nhân dân Sài Gòn bức trướng thêu “Hà Nội – Huế - Sài Gòn – Là cây một cội, là con một nhà”, thể hiện cho ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc. Với tình cảm gắn bó thân thiết keo sơn ruột thịt, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong đó đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, tiếp tục khẳng định khát vọng chung của cả dân tộc về sự thống nhất, hòa bình, tự do, độc lập. 

Chương trình đã tái hiện nhiều sự kiện lịch sử, những dấu ấn không thể nào quên trong ký ức tranh đấu gìn giữ chủ quyền của dân tộc. Đặc biệt, khán giả cả ba miền đất nước đã có dịp nghe lại những câu chuyện lịch sử sống động trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước qua lời kể của các nhân chứng lịch sử như ba nữ du kích trong đội du kích 11 cô gái Sông Hương là o Hoàng Thị Nở, o Nguyễn Thị Hoa và o Chế Thị Mừng kể về trận đánh oai hùng năm 1968; bà Nguyễn Thị Mười, nguyên đội trưởng đội Khoa học kỹ thuật thuộc hợp tác xã Đại Xuân, tỉnh Hải Dương; nhà thơ Trần Đăng Khoa; đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm, phóng viên chiến trường… 

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ của ba thành phố Hà Nội – Huế - TP Hồ Chí Minh cũng đã biểu diễn nhiều tiết mục ca ngợi tình cảm quê hương; sự đấu tranh vượt qua gian khổ, quyết tâm giành độc lập của nhiều thế hệ cha ông đi trước; sự trung dũng, kiên cường của phụ nữ Việt Nam quyết đấu tranh giành hòa bình cho quê hương lập nhiều kỳ tích trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước; nhân dân cả nước luôn dành tình cảm thương yêu, kính trọng Bác Hồ - vị Cha già của dân tộc như Đường cày ba đảm đang, Hạt gạo làng ta, Vàm Cỏ Đông, Trị An âm vang mùa xuân, Ngày thống nhất Bác đi thăm…


Gia Thuận (TTXVN)