07:12 06/07/2018

Hà Nội họp HĐND khóa XV: ‘Nóng’ vấn đề quản lý nhà chung cư

Ngày 6/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu đã chất vấn thành viên UBND thành phố về nhóm vấn đề quản lý nhà chung cư. Hầu hết các ý kiến chất vấn của đại biểu tập trung vào nhóm vấn đề bất cập, gây bức xúc cho cử tri như: tranh chấp diện tích sử dụng chung, không bàn giao quỹ bảo trì của Ban quản trị và trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý và vận hành nhà chung cư

Quang cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND Hà Nội khóa XV, diễn ra từ ngày 5-6/7.

Nội dung chất vấn của các đại biểu chất vấn với Sở Xây dựng nhấn mạnh: Sở Xây dựng có chủ trương đấu giá quyền thuê diện tích tầng 1 tại các tòa nhà tái định cư, nhưng việc tổ chức bán đấu giá và kết quả thực hiện đấu giá còn hạn chế; công tác bảo trì thiết bị thuộc thành phần sở hữu chung của chung cư tái định cư; việc áp dụng mức thu phí vận hành nhà chung cư, tái định cư giữa một số đơn vị của thành phố hiện nay rất khác nhau; có nơi thu từ 2.300 - 4.500 đồng/m2; có nơi chỉ thu 30.000 đồng/nhà/tháng…  Công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, khu tái định cư cũng còn nhiều tồn tại…


Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (quận Hoàng Mai) Trưởng Ban Đô thị (HĐND): Toàn thành phố hiện có 137 tòa chung cư xây dựng trước năm 2005, nhiều toà không có quỹ bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Nhiều toà chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập Ban Quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật. Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới.


Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu Ban quản trị còn chậm và kết quả hạn chế do chung cư mới hoàn thành chưa đủ số hộ dân đến ở theo quy định (theo Điều 13 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị nhà chung cư đế bầu Ban quản trị) nên không đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị.



Theo ông Lê Văn Dục, theo quy định của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng: Chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị. Hiện đã bầu được 310 ban quản trị trong các chung cư thương mại và 71 chung cư tái định cư.


Cũng theo quy định, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu khi chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao hoặc chủ đầu tư đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư, nhưng không đủ số người tham gia Hội nghị hoặc chủ đầu tư có văn bản đề nghị. Tuy nhiên, trên thực tế một số UBND quận, huyện chưa chủ động trong việc đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị khi đủ điều kiện; phối hợp với chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư khi chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư không thành công.


Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Văn Dục cho biết, ngày 18/6/2018, UBND thành phố đã có chỉ đạo tại Văn bản số 2744/UBND-ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư có liên quan đến quản lý, sử dụng, vận hành chung cư thương mại, chung cư tái định cư trên địa bàn phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, trong quý III/2018, phải hoàn thành việc thành lập Ban quản trị, UBND các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai, không thực hiện; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch, phương án xử lý theo quy định.



“Đối với những tòa nhà đủ điều kiện thành lập Ban quản trị, nhưng chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị thì Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện họp, xử lý theo quy định; đồng thời lập danh sách theo dõi để báo cáo UBND thành phố không xem xét giải quyết hồ sơ đề xuất đầu tư đối với các dự án, công việc khác của các chủ đầu tư vi phạm trên địa bàn thành phố”, ông Lê Văn Dục nhấn mạnh.



Về vấn đề một số chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% dẫn đến Ban quản trị nhà chung cư không đủ điều kiện hoạt động; nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quản trị. Nguyên nhân là do chủ đầu tư quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích; không lập tài khoản riêng để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác.



Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, nếu chủ đầu tư và Ban quản trị đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, nhưng không bàn giao kinh phí bảo trì thì báo cáo UBND thành phố ra văn bản yêu cầu chủ đâu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Nếu UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị mà chủ đầu tư không thực hiện bàn giao thì Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao; nếu chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao thì Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế./.Việc chưa bàn giao Quỹ bảo trì chung của chung cư do một số chủ đầu tư cố tình chây ỳ; số cư dân vào ở còn chưa đủ, dẫn tới việc không thể tổ chức hội nghị nhà chung cư; ý thức tham gia của chính những cư dân. Về mặt chính quyền, việc quản lý chung cư thực hiện theo Thông tư số 02 và Nghị định số 99.


Giải trình cùng với Sở Xây dựng, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã hoàn thành 5 quyết định kỷ luật cán bộ và cưỡng chế quản lý chung cư tái định cư vi phạm vào ngày 12/5. Để thực hiện việc cưỡng chế, quận đã phải thuyết phục nhiều và dùng nhiều biện pháp như cắt điện, cắt nước, xây dựng kế hoạch, vận động tổ dân phố, khu dân cư. Còn ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận đã thành lập 72/106 Ban quản trị, việc chậm thành lập Ban quản trị do một số nguyên nhân cụ thể: Tại nhiều khu nhà, cư dân ở đó rất đồng tình với việc chủ đầu tư điều hành, quản lý và cho rằng, nhiều tòa nhà sau khi thành lập BQT thì việc duy trì nhà kém hơn so với thời điểm chủ đầu tư quản lý; có nhiều tòa nhà chưa đảm bảo đủ số người dân vào ở; khi tổ chức hội nghị nhà chung cư không đảm bảo số người dân tham dự.



Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn quận có các loại nhà chung cư là chung cư cũ, tái định cư, thương mại. Hiện nay, chung cư thương mại có 86, chung cư tái định cư, tạm cư có 1. Nhà chung cư cao tầng có 123 tòa, trong đó đã thành lập được 89 Ban quản trị. Số nhà chung cư chưa đủ điều kiện thành lập Ban quản trị là 31, trong đó thương mại là 13, tái định cư là 18. Đối với 13 tòa nhà chưa thành lập được Ban quản trị do chủ đầu tư trì hoãn việc thành lập, quận Cầu Giấy đã có văn bản đôn đốc và phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo thành phố để cưỡng chế thành lập. Đối với tòa nhà chung tư, tái định cư, có 18 trường hợp, hầu hết được xây dựng trước khi có Luật Xây dựng nên quỹ bảo trì chưa có, do đó những tòa nhà này không muốn thành lập Ban quản trị. Về trường hợp này, thành phố đã phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội để bảo đảm các vấn đề phòng cháy chữa cháy, đời sống dân sinh cho người dân.


Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải thông tin thêm, căn cứ quy định Luật Nhà ở, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung giá dịch vụ chung cư trình UBND thành phố công bố giá dịch vụ nhà chung cư. Tuy nhiên, do thực tế mỗi nơi một khác nên đây được xem là căn cứ để Ban Quản trị báo cáo Hội nghị nhà chung cư nhằm quyết định mức giá cụ thể.Hiện vẫn có tồn tại bất cập trong việc thu phí vận hành nhà tái định cư, mức thu chưa phù hợp, không đảm bảo chi phí vận hành. Với những trường hợp này, hiện các Ban Quản lý đang sử dụng dụng một phần tiền thu được từ cho thuê tầng 1 để bù đắp.


Trả lời chất vấn về vấn đề an toàn Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các nhà chung cư, Giám đốc Cảnh sát PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, từ cuối năm 2016 đến ngày 30/6 vừa qua, có 55/79 công trình vi phạm an toàn PCCC đã khắc phục và được nghiệm thu; trong 24 công trình còn lại thì có 10 công trình đang tích cực khắc phục, tiến độ đã đạt 70%. Hiện có 7 công trình dù chủ đầu tư có ý thức tìm giải pháp nhưng liên quan đến nhiều vấn đề thay đổi mục đich, công năng sử dụng, kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cấp có thẩm quyền; có 5 công trình mà chủ đầu tư có biểu hiện chây ì, chậm khắc phục, khả năng tài chính cũng khó đáp ứng, đang củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.


Về 168 chung cư tái định cư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, chất lượng công trình nói chung là thấp và tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCCC. Hiện thành phố đã giao các cơ quan liên quan khảo sát các hạng mục vi phạm để tìm giải pháp xử lý. Tháng 3 vừa qua, UBND TP đã có văn bản giao Ban QLDA Văn hoá xã hội Hà Nội thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC đối với các chung cư tái định cư trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên 5 công trình, đảm bảo hoàn thành trước tháng 3/2019. Các đơn vị quản lý cũng phải tập trung hoàn thiện hồ sơ hoàn công, tổ chức lực lượng tại chỗ nhằm ứng phó khi xảy cháy.


Bên cạnh đó, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho rằng cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC tại các chung cư cao tầng. Trước hết, các cấp ngành, đơn vị và chính người dân phải nâng cao nhận thức về an toàn PCCC. Đối với các vấn đề tồn tại cũ phải tích cực gải quyết, ngăn ngừa phát sinh thêm các vấn đề mới. Chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát quá trình đầu tư, xây dựng nhà chung cư cao tầng, khi chưa hoàn thành PCCC phải có cảnh báo để người dân biết, không mua và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trước khi mở bán.


Xuân Cường- TTN/Báo Tin tức