03:10 29/03/2011

Hà Nội: Dịch sốt phát ban có thể kéo dài đến tháng 4

Bệnh rubella thường xuất hiện vào mùa đông, xuân và chỉ kéo dài chừng 2 tháng là kết thúc. Nhưng năm nay, dịch bệnh này lại diễn biến theo chiều hướng bất thường, kéo dài suốt 4 tháng nay với số người bệnh nhập viện tăng cao.

Bệnh rubella thường xuất hiện vào mùa đông, xuân và chỉ kéo dài chừng 2 tháng là kết thúc. Nhưng năm nay, dịch bệnh này lại diễn biến theo chiều hướng bất thường, kéo dài suốt 4 tháng nay với số người bệnh nhập viện tăng cao. PGS.TS Nguyễn Trần Hiển trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Đề nghị ông cho biết diễn biến dịch sốt phát ban hiện nay? Tại sao dịch bệnh này lại kéo dài hơn thường lệ suốt 4 tháng nay, phải chăng virút rubella đã biến đổi?

Trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đều ghi nhận các vụ dịch rubella. Vụ dịch lớn nhất xảy ra năm 2005 với trên 10.000 ca mắc được báo cáo. Năm nay, số ca mắc có thể tăng cao theo chu kỳ, dịch thường tăng theo chu kỳ 5 - 6 năm. Thông thường, số người mắc bệnh rubella thường tăng cao vào tháng 2 - 4 hàng năm. Do đó, việc số ca bệnh tăng cao trong thời gian 3 tháng đầu năm nay cũng hoàn toàn phù hợp với quy luật diễn biến thông thường của bệnh chứ không phải là do biến đổi của virút.

Tiêm vắcxin phòng rubella cho trẻ em. Ảnh: TTXVN


Theo số liệu giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương những tháng đầu năm 2011, ghi nhận tại 15 tỉnh/TP, số ca mắc được báo cáo tương đương cùng kỳ năm 2010. Nhiều khả năng số mắc thực tế cao hơn số đã báo cáo. Hầu hết số mắc tập trung ở độ tuổi học sinh trung học phổ thông và người lớn, chưa được tiêm vắcxin. Việc tập trung đông số lượng cảm nhiễm ở lứa tuổi này là điều kiện thuận lợi cho việc lây truyền virút rubella và gây dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2011, khoảng 45% số mẫu huyết thanh được xét nghiệm có kháng thể IgM dương tính với virút rubella. Tỷ lệ dương tính với sởi rất thấp trong năm nay. Dự báo tình hình dịch rubella sẽ tiếp tục trong tháng 3 và tháng 4 tới, sau đó sẽ giảm dần.

Ngành y tế, nhất là Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã và đang có biện pháp gì để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh?

Trong thời gian vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực chỉ đạo các tỉnh tăng cường giám sát ca bệnh và xét nghiệm phát hiện rubella song song với việc giám sát sởi tiến tới đạt mục tiêu loại trừ sởi vào năm 2012 theo cam kết của các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các tỉnh tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về các biện pháp phòng bệnh rubella, tư vấn dự phòng rubella và phòng hội chứng dị tật bẩm sinh ở trẻ em của phụ nữ mang thai nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, đặc biệt nhấn mạnh tới việc tư vấn tiêm vắcxin phòng rubella cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với WHO tiến hành các nghiên cứu thu thập bằng chứng về gánh nặng bệnh tật của rubella gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em, làm cơ sở đề xuất bổ sung vắcxin rubella vào chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Người dân cần làm gì để phòng tránh bệnh dịch này, nhất là những phụ nữ sắp và đang có thai?

Bên cạnh việc dự phòng chung cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác như tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh; hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao, cách tốt nhất là dự phòng chủ động bằng tiêm vắcxin. Mục tiêu chủ yếu là phòng hội chứng dị tật bẩm sinh do rubella gây ra. Vắcxin rubella thường được tiêm cho trẻ 12 - 15 tháng tuổi, 1 liều 0,5 ml tiêm dưới da, nhưng cũng có thể tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi hay ở tuổi lớn hơn.

Không tiêm vắcxin này cho phụ nữ mang thai vì về mặt lý thuyết có thể có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh do vắcxin sử dụng virút sống giảm độc lực. Tuy nhiên, trên thực tế không có trường hợp hội chứng dị tật bẩm sinh do rubella nào xảy ra trong 1.000 trường hợp sau tiêm vắcxin rubella ở những phụ nữ không biết mình đã mang thai. Cũng không cần thiết phải xét nghiệm sàng lọc tình trạng mang thai trước khi tiêm vắcxin rubella. Nếu dự kiến có thai thì cần phải theo dõi ít nhất 1 tháng sau khi tiêm vắcxin rubella, và tốt nhất chỉ nên mang thai 3 tháng sau khi tiêm vắcxin. Không có chỉ định phá thai sau khi tiêm vắcxin rubella trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên cần phải đến các bác sĩ để được tư vấn. Ngoài ra cũng phải thực hiện đúng chống chỉ định khi tiêm vắcxin. Không tiêm vắcxin cho người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắcxin, kể cả gelatin, mọi bệnh lý đường hô hấp có sốt hoặc bất kỳ tình trạng sốt nhiễm khuẩn đang tiến triển khác, bệnh lao đang tiến triển mà chưa được điều trị, người bệnh dùng thuốc ức chế miễn dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch tiên phát hoặc mắc phải...

Phương Liên (thực hiện)