12:08 07/12/2012

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống

Thành phố Hà Nội vừa tổ chức tổng kết 5 năm ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Theo báo cáo, từ năm 2008 - 2012, toàn thành phố có 540 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống...

Thành phố Hà Nội vừa tổ chức tổng kết 5 năm ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Theo báo cáo, từ năm 2008 - 2012, toàn thành phố có 540 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống, đặc biệt có gần 90 đề tài ứng dụng vào nông nghiệp nông thôn, góp phần rất lớn trong việc cải thiện đời sống nhân dân.

 

Điều quan trọng, từ các đề tài đã tạo ra những mô hình sản xuất thâm canh, an toàn, bền vững và ổn định. Công nghệ kỹ thuật mới đã tạo bước đột phá, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả đặc sản, trồng hoa công nghiệp, rau an toàn, tạo giống lúa lai năng suất cao, phòng chống dịch bệnh cho các huyện ngoại thành.


Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển nông thôn miền núi với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, giúp bà con phát triển kinh tế tổng hợp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như xử lý cung cấp nước sạch công nghệ asen, bảo quản tiêu thụ sữa tươi, chế biến thức ăn tổng hợp, thiết bị xử lý mây tre đan… Phong trào lao động sáng tạo phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật đã xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhiều cá nhân, tổ chức với các thương hiệu như “Tranh thêu Thường Tín”, “Sữa bò Ba Vì”, “Nón Chuông”, “Bưởi tôm vàng”, “Bánh tẻ Phù Nhi”, “Gốm sứ Kim Lan”, “Nhãn muộn Đại Thành”…


Ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế với số lượng lớn các trường đại học, nhà khoa học đầu ngành đóng trên địa bàn đã có nhiều sáng kiến, đề tài hữu ích. Khoa học công nghệ chưa bao giờ phát triển mạnh như giai đoạn hiện nay, Hà Nội đang là địa phương đầu tàu trong cả nước ở lĩnh vực này. Phần lớn các đề tài đã áp dụng thành công vào thực tiễn giúp cho đồng đất Hà Nội ngày càng có giá trị, nông dân sản xuất hiệu quả và mặn mà hơn với làm nông nghiệp.


Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Nhờ có sự đầu tư, đưa công nghệ mới vào sản xuất đã có nhiều công ty, doanh nghiệp, tập đoàn và hợp tác xã đứng ra làm chủ huy động nguồn vốn, sức dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả cao. Các mô hình đang từng ngày được nhân rộng, được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng. Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế Hà Nội vẫn hết sức khó khăn, nhất là các vùng ngoại thành nông dân sản xuất còn rất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm kém chất lượng, chưa tìm được đầu ra… Bên cạnh đó, hạ tầng nông nghiệp yếu kém, đội ngũ cán bộ chưa đủ mạnh và kinh phí đầu tư hạn hẹp.


Với định hướng lâu dài trong phát triển mạnh phong trào nghiên cứu khoa học công nghệ thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, ông Nguyễn Công Soái đề nghị, các cấp các ngành Hà Nội cần đưa khoa học công nghệ đi trước một bước, giải quyết tốt nhu cầu thực tiễn đặt ra; hoàn thiện cơ chế chính sách; đưa công tác nghiên cứu khoa học gắn kết và phục vụ nhiều cho các ngành sản xuất kinh doanh; phát triển mở rộng các vùng chuyên canh, từng bước xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.


Tới đây, thành phố Hà Nội sẽ có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ sạch, công nghệ cao và kiên quyết ngăn chặn và không triển khai những đề tài, dự án dàn trải, kém hiệu quả.


Nguyễn Văn Cảnh